Bàn giao người bị nạn, tài sản cứu được như thế nào?

Trường hợp sau khi đã kết thúc vụ cháy, sự cố, tai nạn thì lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH tổ chức bàn giao người bị nạn, tài sản cứu được (nếu có) như thế nào? (MINH XUÂN, quận 12, TPHCM).

Theo điểm c, khoản 1, Điều 9, Thông tư số 140/2020/TT-BCA ngày 23-12-2020 của Bộ Công an quy định “Tổ chức bàn giao người bị nạn, tài sản cứu được (nếu có) cụ thể: 

- Bàn giao người bị nạn (bao gồm người chết hoặc người bị thương):

+ Khi đưa người bị nạn ra khu vực an toàn, đánh giá tình trạng và thông báo kịp thời cho cơ sở y tế gần nhất để tổ chức cấp cứu người bị nạn.

+ Trường hợp người bị nạn từ chối đi cấp cứu thì cử cán bộ Cảnh sát PCCC - CNCH lập biên bản ghi nhận việc này, có sự xác nhận của nhân viên y tế, người làm chứng (nếu có).

+ Khi xác nhận người bị nạn đã chết, người chỉ huy PCCC - CNCH phải đề nghị cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương tiếp nhận thi thể ngay sau khi được đưa ra ngoài để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đại diện cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa có mặt thì giao cho đại diện cơ sở (hoặc đại diện hộ gia đình) có người bị nạn tiếp nhận, bảo quản và đề nghị công an cấp xã, lực lượng PCCC tại chỗ cử người bảo vệ thi thể để chờ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đến nhận và giải quyết theo quy định.

- Bàn giao tài sản cứu được: Ngay sau khi cứu được tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm và đưa đến vị trí tập kết, người chỉ huy PCCC - CNCH đề nghị chủ sở hữu tài sản (là đại diện cơ sở, hộ gia đình, chủ phương tiện...) có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, bảo quản và đề nghị công an cấp xã bảo vệ, giám sát bảo quản tài sản đến khi thủ tục bàn giao.

- Thủ tục bàn giao bao gồm: Đại diện cơ quan, cơ sở, hộ gia đình, chủ phương tiện đã tiếp nhận người, tài sản trước đó; đại diện các lực lượng có liên quan có mặt để chứng kiến, ký nhận vào biên bản bàn giao theo mẫu quy định.

Tin cùng chuyên mục