Bán hàng như trấn lột

Tôi đến Bến xe miền Tây, vào quầy mua một vé xe về Mỏ Cày (Bến Tre) dự đám cưới bạn. Vừa bước ra, một chị trung niên giật phăng tờ vé xe khỏi tay tôi, nói với vẻ hồ hởi như đã thân quen: “Mỏ Cày hả em, chị dẫn lại xe cho”. Cảnh giác, bán tín bán nghi, nhưng nghĩ nơi bến xe đông người chắc kẻ gian cũng không dám làm gì, nên tôi đi theo. Quả thật chị ấy dẫn tôi lại đúng tuyến xe về Mỏ Cày, lại tìm cho tôi một chỗ ngồi tử tế trên xe. Tôi vui vui, thầm nghĩ xã hội cũng còn có nhiều người tốt.

Tôi đến Bến xe miền Tây, vào quầy mua một vé xe về Mỏ Cày (Bến Tre) dự đám cưới bạn. Vừa bước ra, một chị trung niên giật phăng tờ vé xe khỏi tay tôi, nói với vẻ hồ hởi như đã thân quen: “Mỏ Cày hả em, chị dẫn lại xe cho”. Cảnh giác, bán tín bán nghi, nhưng nghĩ nơi bến xe đông người chắc kẻ gian cũng không dám làm gì, nên tôi đi theo. Quả thật chị ấy dẫn tôi lại đúng tuyến xe về Mỏ Cày, lại tìm cho tôi một chỗ ngồi tử tế trên xe. Tôi vui vui, thầm nghĩ xã hội cũng còn có nhiều người tốt.

Thế nhưng, tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì chị ta móc trong túi ra nào là kẹo cao su, kẹo ngậm, thuốc chống nôn… kêu tôi mua ủng hộ. Vì biết sẽ bị mua giá trên trời, tôi cảm ơn và lắc đầu không mua, chị lộ vẻ khó chịu, bực bội: “Chị giúp em thì em phải mua lại ủng hộ chị chứ!”. Tôi nói mình có mua mang theo sẵn rồi, chị ta liền xông tới trước mặt, xỉa xói: “Người không biết điều! Mới sáng gặp phải âm binh. Ra đường coi chừng bị đánh!”.

Mọi người trên xe bất bình nhưng không ai dám hó hé gì. Để thoát khỏi tình huống rắc rối bực mình và tránh va chạm nguy hiểm, dù hứng những lời thóa mạ vô duyên, nhưng tôi cũng phải bấm bụng mua hai cây kẹo cao su với giá 20.000 đồng. Chị ta lấy tiền rồi bỏ đi kèm theo lời đe dọa: “Lần sau đừng để tao thấy mặt, không dễ yên như hôm nay đâu!”.

Tôi ngao ngán lắc đầu. Một bà cụ ngồi gần bên ngán ngẩm nói: “Bến xe này thường xuyên có những người bán hàng kiểu trấn lột như vậy đó con. Bị lần này thì lần sau khôn ra thôi!”. Hỏi ra mới biết, trên xe từng có rất nhiều người gặp phải tình cảnh như tôi. Một bạn sinh viên ngồi gần tôi kể: “Mấy lần đầu về quê, em cũng gặp “người tử tế” dẫn lên xe rồi bắt mua đồ, nhưng bây giờ em biết rồi, mua vé xong là cầm vé cho chắc, tự đi tìm xe, chứ không dám nhờ ai hết”.

Số tiền những người này thu lợi kiểu trấn lột từng hành khách như vậy không lớn, nhưng hành vi này diễn ra thường xuyên, trở thành một cách kiếm tiền vô văn hóa, bất lương. Bến xe là nơi công cộng có quản lý, hoạt động có tổ chức, có nhân viên bảo vệ, trên xe có nhân viên, sao không ai ngăn chặn việc này? Xây dựng một bến xe văn minh, lịch sự là tiêu chí được đề ra từ lâu ở các bến xe, nhưng tại sao Bến xe miền Tây lại để việc xúc phạm, cưỡng ép hành khách mua hàng cứ xảy ra như chuyện thường ngày?

PHƯƠNG NGÂN
(SV Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II)

Tin cùng chuyên mục