​Ban hành quyết định hành chính thiên vị có thể bị xử lý bằng Luật Cạnh tranh ​

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) còn áp dụng đối với “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”, trong đó bao gồm cả các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng trước thỏa thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng trước thỏa thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài. Ảnh minh họa

Trình bày trước Quốc hội chiều 23-10 về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam cho thấy, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, thỏa thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Hay thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty Dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y…

Luật Cạnh tranh năm 2004 chưa quy định cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Trong khi đó, tại một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… các cơ quan cạnh tranh gần đây đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới.

Vì vậy, để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Công Thương nhận định, trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã ban hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh, chẳng hạn như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được chỉ định hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác.

“Trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Công Thương đã phát hiện và xử lý 15 trường hợp có liên quan đến hành vi của cơ quan quản lý nhà nước bị cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Trên quan điểm cho rằng Luật Cạnh tranh cần được áp dụng với mọi đối tượng tham gia thị trường, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng áp dụng, theo đó, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, dự thảo Luật còn áp dụng đối với “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”, trong đó bao gồm cả các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.

Việc mở rộng đối tượng áp dụng nêu trên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là phù hợp với đặc thù của nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho một hoặc một nhóm các doanh nghiệp nào đó đến mức gây bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó, quy định này cũng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế chung của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, khuyến khích và tạo lập môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và không phân biệt đối xử; phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, làm tăng tính hiệu quả và đồng bộ của việc thực thi pháp luật cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục