Mấy ngày nay, dư luận quan tâm việc các con số của các ban ngành và cả của cơ quan thống kê chưa chính xác, thiếu thống nhất. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu lưu ý, có đến 30% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, sáng vác ô đi, tối vác về. Thế nhưng mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo chỉ có 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc hội thảo tại Hà Nội mới đây, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng băn khoăn: “GDP tỉnh nào cũng tăng trên 10%, nhưng bình quân cả nước chỉ 5,5%, vậy GDP chạy đi đâu?”.
Ngay tại TPHCM, 10 năm qua, GDP liên tục tăng khoảng 10%. Mấy năm trở lại đây, kinh tế thế giới suy thoái, GDP nước ta cũng tăng trưởng chậm lại, chỉ dừng lại mức 5% - 6%, vậy nhưng kinh tế TPHCM vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 10%. Đây là con số lý tưởng và không dễ gì có được. Điều làm nhiều người suy nghĩ: 3 năm trở lại đây, trong khi GDP TPHCM tăng trưởng khoảng 10%, sao tỷ lệ công nhân thất nghiệp nhiều, hàng loạt doanh nghiệp bị đóng cửa và thu ngân sách không đạt như chỉ tiêu đề ra?
Đối với công tác điều hành, quản lý xã hội, số liệu chính là điểm tựa và là cơ sở để nhà quản lý hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Con số chính xác giúp nhà quản lý đưa ra chính sách phù hợp. Hay nói cách khác, có con số đúng mới có giải pháp trúng. Nếu con số thống kê không đúng, sai lệch nhiều thì không những đưa ra giải pháp, chính sách không đúng mà còn dẫn đến hậu quả khó lường cho xã hội.
Với tầm quan trọng của con số, số liệu thực, đã đến lúc không riêng ngành thống kê mà các tổ chức kinh tế, xã hội cần phải có biện pháp chấn chỉnh, tránh chạy theo thành tích. Nếu những con số đẹp trên diễn đàn không phải là con số của thực tế, sẽ để lại hậu quả nặng nề, khó lường.
NGUYỄN HIỀN (Bình Thạnh, TPHCM)