Tại hội thảo “Triển khai mô hình trường học mới VNEN vào các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM” vừa qua do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại về tính rập khuôn, hình thức của việc triển khai thực hiện mô hình trường học tiểu học mới, “du nhập” từ Colombia về Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Dù triển khai theo hình thức lớp học tự quản, học sinh là người chủ động điều khiển các hoạt động trong lớp nhưng trên thực tế, các em vẫn điều khiển lớp theo… hiệu lệnh của giáo viên. Bên cạnh đó, vấn đề sắp xếp chỗ ngồi theo nhóm sao cho hợp lý trước tình trạng phần lớn phòng học ở Việt Nam hiện nay có diện tích nhỏ hẹp, hơn 50% học sinh bị các tật khúc xạ về mắt nên không phải là bài toán đơn giản.
Bởi thực tế bố trí lớp học ở Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) - đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình trường tiểu học này ở TPHCM cho thấy, học sinh ngồi bàn đầu cách bàn giáo viên chưa đầy nửa mét. Nếu ngồi quay lưng lại với bục giảng, việc xoay người, theo dõi các hoạt động của cô và nhìn lên bảng vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể do khoảng cách chật hẹp, các em ngồi ở vị trí sát tường, mỗi lần lên bảng phải yêu cầu những thành viên còn lại trong nhóm học tập đứng lên mới bước ra ngoài được.
Một bất cập khác đang tồn tại là nội dung chương trình sách giáo khoa. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, đánh giá: “Chính việc sách giáo khoa được thiết kế quá rõ ràng, cụ thể, chi tiết đến từng hoạt động đã khiến giáo viên bị gò bó, không phát huy được tính sáng tạo. Học sinh vì thế cũng rập khuôn theo sách, học như cái máy, bấm đến đâu là học đến đó. Trong phần cho ý kiến nhận xét bài làm của bạn, chính vì việc ngồi theo nhóm nên 100% ý kiến của các em đều đồng lòng cùng đúng hoặc cùng sai. Em nào có ý kiến khác đi cũng không dám giơ tay phát biểu vì tâm lý sợ “đa số lấn át thiểu số”.
Do đó, thầy Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7), kiến nghị: “Nên chăng sách giáo khoa cần chia làm hai phần, một phần có nội dung cố định, mang tính chất bắt buộc và phần kia mang tính gợi mở để mỗi giáo viên khi đứng lớp có thể tự thiết kế bài giảng theo sự sáng tạo của mình. Như thế các tiết học ở những lớp học khác nhau sẽ có sự khác biệt và thú vị hơn, chứ không xảy ra tình trạng rập khuôn, trăm tiết học như một”.
Lắng nghe các ý kiến đóng góp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương, chia sẻ: “Đúng là việc dạy học hiện nay quá rập khuôn. Giáo viên rập khuôn từ việc ghi bảng, trình bày đến tổ chức các hoạt động trong lớp học. Học sinh có thao tác rất giống nhau, đến kiểu “de” tay cũng giống nhau nốt. Điều này rất không ổn trong giáo dục”. Phương pháp giảng dạy có rất nhiều nhưng bản thân giáo viên phải xác định được hình thức vận dụng sao cho sáng tạo, phù hợp với điều kiện trường, lớp của địa phương và khả năng tiếp nhận của học sinh trong từng lớp học để tiết học đạt hiệu quả cao nhất.
“Dù ở mô hình trường học nào cũng phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, nhưng không nên rập khuôn theo số đông hay nặng về truyền thụ kiến thức. Thay vào đó, nên chú trọng vào việc phát triển năng khiếu và phẩm chất của từng học sinh. Chỉ khi làm được như thế, mô hình trường học, dù mới hay cũ mới phát huy được hết tác dụng”, ông Chương nhận định.
THANH THU