- Sửa một số điều trong Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo tạo thuận lợi thực hiện tố tụng hành chính
(SGGP).– Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc hôm qua 5-10. Phiên họp hoàn thành trọn vẹn chương trình dự kiến với 4 nhóm vấn đề: cho ý kiến về các dự án luật (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Viên chức, Luật Khoáng sản sửa đổi…); nghe và cho ý kiến về các báo cáo kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, định hướng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015; báo cáo tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; thảo luận, quyết định nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH như thuế, hải quan; công tác giám sát và chương trình hoạt động giám sát.
Trước khi bế mạc phiên họp, UBTVQH đã xem xét chỉnh lý, bổ sung sửa đổi bản dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Đây là dự luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 sắp diễn ra.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 5-10, để có thể thực thi suôn sẻ Luật Tố tụng hành chính, một số nội dung trong Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành cần được sửa đổi.
Do có sự khác biệt về thủ tục giải quyết khiếu nại và khởi kiện đối với các quyết định hành chính về quản lý đất đai so với việc giải quyết khiếu nại và khởi kiện đối với các quyết định hành chính trong các lĩnh vực khác, thời gian qua có nhiều trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhưng khi họ khởi kiện vụ án hành chính thì tòa án không thụ lý. Để giải quyết vấn đề này, cần phải sửa Luật Đất đai theo hướng cho phép người dân khởi kiện tại Tòa hành chính nếu vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ 2 của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Luật Đấât đai coi quyết định giải quyết của các cấp nêu trên là “quyết định giải quyết cuối cùng”).
Bên cạnh đó, những quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và khởi kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong Luật Đất đai cũng được coi là cần phải bỏ, để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Còn trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Quản lý nhà nước về thi hành án hành chính cũng là vấn đề được sự quan tâm của các thành viên UBTVQH. Trên thực tế, việc thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính suốt 14 năm qua không có cơ quan nào giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính, nên việc theo dõi, thống kê, báo cáo… về tình hình thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Dự thảo luật đã quy định giao cho Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận xét, giao thẩm quyền này cho cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp là “vượt tầm của cơ quan này và khó đạt được hiệu quả như ta mong muốn”.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba, dự thảo Luật Tố tụng hành chính trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 17 chương, 264 điều, tăng hơn so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 bốn chương.
A.Thư