Băn khoăn về danh mục bình ổn giá

(SGGPO).- Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá sáng nay, nhiều Đại biểu Quốc hội  băn khoăn sự hợp lý của danh mục bình ổn giá.
Băn khoăn về danh mục bình ổn giá

(SGGPO).- Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá sáng nay, nhiều Đại biểu Quốc hội  băn khoăn sự hợp lý của danh mục bình ổn giá.

Giải trình tiếp thu ý kiến về danh mục bình ổn giá này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, danh mục được lập trên cơ sở nhu cầu, tầm quan trọng, tính biến động của giá hàng hóa, dịch vụ trong đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong danh mục. Do đó, mặc dù danh mục gồm nhiều hàng hóa, song trên thực tế, số phải áp dụng bình ổn là rất ít; nếu thị trường ổn định thì có thể không áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa nào, song để bảo đảm tính ổn định và bao quát của Luật thì vẫn cần thiết phải xác định danh mục với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.

Tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội, dự thảo lần này đã loại khỏi danh mục sắt, thép, xi măng; thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, cá tra, cá basa, tôm; dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng;… Bản dự thảo lần cuối đã đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá gồm 10 mặt hàng: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.

Băn khoăn về danh mục bình ổn giá ảnh 1

ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang)

Thể hiện quan điểm trước danh mục này, ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang)băn khoăn danh mục quy định quá cụ thể như phân đạm còn các mặt hàng nông nghiệp khác thì sao? Trên thực tế, nhiều mặt hàng phân bón biến động tăng cao ảnh hưởng đến nông nghiệp chưa được bình ổn giá. ĐB Triệu Là Pham  cũng đề nghị mở rộng danh mục mặt hàng bình ổn giá là “các mặt hàng phân bón”  cũng như thêm các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập để hỗ trợ cho người nghèo, an sinh xã hội.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thì cho rằng, danh mục chỉ nên tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt sinh hoạt, gạo tẻ thường, thuốc,... Còn các mặt hàng như đường ăn và muối ăn không nên đưa vào danh mục mà chỉ sử dụng các công cụ khác để điều tiết. Riêng mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi đưa vào danh mục là cần thiết nhưng sẽ rất khó trong thực hiện.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM)

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM)

Các ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì đề nghị cần bổ sung bổ sung thuốc bảo vệ thực vật vì đó là hàng hóa thiết yếu để chống lại dịch bệnh trên cây trồng. Đây là một biện pháp hỗ trợ cho người nông dân nhằm tránh những biến động của nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người nông dân.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) lại cho rằng, việc bình ổn giá là việc cực chẳng đã và nếu không phải thực hiện bình ổn giá là tốt nhất cũng giống như “có thẻ bảo hiểm y tế mà không xài là tốt”. Cũng theo ĐB, nếu mở rộng danh mục có khi lợi bất cập hại và cũng đừng quá kỳ vọng vào việc bình ổn giá khi kinh tế vĩ mô bất ổn.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục