Bán lẻ hiện đại tăng lượng hàng phục vụ tết

Các hệ thống siêu thị tại TPHCM đã tăng lượng hàng dự trữ để cung ứng thị trường Tết Kỷ Hợi 2019 từ 30% - 35% so với tháng kinh doanh thường. Như vậy, người tiêu dùng không phải lo tình trạng khan hàng, tăng giá vào mùa mua sắm tết sắp tới. 
TPHCM chuẩn bị nhiều nguồn hàng để đáp ứng thị trường tết
TPHCM chuẩn bị nhiều nguồn hàng để đáp ứng thị trường tết

Không đứt quãng nguồn hàng 

Các kênh phân phối hiện đại đang dần thể hiện vai trò quan trọng trong hoạt động phân phối hàng hóa trên thị trường. Vì vậy, ngoài chuẩn bị tốt nguồn hàng còn cam kết không tăng giá trong suốt dịp tết.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cơ quan này đã phối hợp các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ thị trường tiêu dùng Tết 2019 với mức tăng cao hơn mùa Tết 2018.

Bên cạnh đó, để đảm bảo ổn định giá trước, trong và sau tết đối với các mặt hàng thiết yếu, khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sản xuất, cung ứng cho 2 tháng tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỷ đồng); trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường 7.532,6 tỷ đồng.

Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6-1 đến 4-2-2019 (tức mùng 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng; trong đó, hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỷ đồng.

Nhu cầu tiêu dùng ở tháng cuối năm luôn tăng đột biến, vì vậy, hầu hết các nhóm hàng hóa, sản phẩm từ tươi sống đến chế biến đều có nhu cầu tiêu thụ mạnh. Sở Công thương TPHCM dự báo, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng bia trên địa bàn thành phố khoảng 42,2 triệu lít và nước giải khát là 48,5 triệu lít, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Nhóm hàng bánh, mứt, kẹo, hạt... cũng tiêu thụ khoảng 18.500 tấn.

Với dự báo lượng hàng tiêu thụ dịp tết tăng mạnh, Sở Công thương đang phối hợp sở ngành liên quan, UBND các quận huyện để nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung - cầu hàng hóa. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo người dân mua sắm được hàng hóa chất lượng, an toàn.
Siêu thị đã sẵn nguồn hàng 
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới bước vào giai đoạn mua sắm tăng mạnh nhất trong năm, nhưng để không xảy ra tình huống bất lợi nào cho người tiêu dùng, các hệ thống bán lẻ đều lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng từ khá sớm.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op hiện đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa và hàng bình ổn giá với tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng. Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng Truyền thông của Lotte Mart Việt Nam, cho hay để phục vụ Tết Nguyên đán 2019, lượng hàng tại Lotte Mart đã chuẩn bị tăng hơn 30% so với năm trước, tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, rau củ quả, bánh mứt, nước giải khát... 
Tương tự, ông Lê Hữu Tình, Giám đốc Marketing Emart Việt Nam, thông tin Emart đã làm việc với các nhà cung cấp từ tháng 10-2018 để lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tốt nhất cho mùa tết sắp tới. Theo đó, siêu thị dự kiến sẽ tăng khoảng 35% lượng hàng so với năm trước, tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu trong mùa tết. 

Qua tìm hiểu, hệ thống các cửa hàng tiện lợi cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đa dạng và thực hiện mở cửa suốt 24 giờ trong dịp tết. Đặc biệt, trong tháng cận tết, để kích thích tiêu dùng, các đơn vị như Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, Big C... còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ tết.

Cũng để tạo điều kiện cho người dân mua sắm, tránh tình trạng ùn ứ trong khâu thanh toán khi mua hàng, Sở Công thương đã vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Theo đó, từ ngày 20 đến 27-12 (âm lịch), các siêu thị mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ. Từ 28 đến 29-12 (âm lịch), mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ. Ngày 30-12 (âm lịch), mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ trưa. Các siêu thị chỉ nghỉ bán ngày mùng 1 Tết và hoạt động trở lại từ 8 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 6 Tết hoạt động kinh doanh bình thường.

Theo đại diện Lotte Mart, từ đầu tháng 11-2018, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp và yêu cầu không tăng giá trong dịp tết; đồng thời chỉ chấp nhận tăng giá khi có lý do chính đáng và nếu tăng phải có lộ trình cụ thể. Hệ thống các kênh bán lẻ hiện đại cũng cam kết phục vụ người dân với giá cả tốt nhất, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, người lao động, sinh viên không có điều kiện về quê vui tết vẫn có thể mua sắm tươm tất để đón năm mới tại thành phố. Yếu tố an toàn sản phẩm cũng được các nhà bán lẻ chú trọng. Một trong những việc mà các siêu thị cam kết là tập trung cung cấp hàng hóa sạch, hàng có xuất xứ nguồn gốc; đặc biệt là các loại sản phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả… 

Tại TPHCM, theo thống kê, kênh phân phối hiện đại hiện có 207 siêu thị (tăng 18 siêu thị so với đầu năm 2018), 43 trung tâm thương mại (tăng 3 trung tâm thương mại so với đầu năm), 1.100 cửa hàng tiện lợi (tăng 218 cửa hàng, chủ yếu là cửa hàng tiện lợi của hơn 20 chuỗi như Co.opFood, SatraFoods, Vissan, Foodcomart, Shop & Go, Circle K, Family mart…). Nhằm phục vụ người tiêu dùng tại các huyện ngoại thành, khu chế xuất, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị phân phối tăng cường thực hiện bán hàng lưu động từ nay đến tết với bình quân 130 chuyến hàng/tháng.

Riêng 2 tháng cao điểm trước tết sẽ thực hiện 344 chuyến. Hoạt động bán hàng lưu động tập trung triển khai tổ chức tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân; các công ty, xí nghiệp đông công nhân; bệnh viện để tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê vui tết... mua sắm được hàng hóa chất lượng. Sở Công thương TPHCM cũng sẽ vận động các hệ thống tổ chức, phân phối cung ứng giỏ quà tết có giá bán từ 99.000 - 1.500.000 đồng/phần để phục vụ công nhân đem về quê làm quà tết.

Tin cùng chuyên mục