Bán lẻ làm cầu nối đến người tiêu dùng

Các hệ thống phân phối, bán lẻ chính là cánh tay nối dài, giúp doanh nghiệp (DN) sản xuất, hợp tác xã (HTX) đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng. Xác định được tầm quan trọng này, trong giai đoạn tới các nhà bán lẻ sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ hàng hóa của DN, HTX đưa hàng hóa đến gần hơn với khách hàng. 
Nông sản các địa phương được người tiêu dùng đón nhận qua kênh phân phối hiện đại
Nông sản các địa phương được người tiêu dùng đón nhận qua kênh phân phối hiện đại

Số hóa hoạt động kết nối kinh doanh

Năm 2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động kết nối giao thương giữa các địa phương trên cả nước với các doanh nghiệp, nhà bán lẻ ở TPHCM - nơi tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất của cả nước đã giảm mạnh. Điều này dẫn đến có thời điểm hàng hóa, nông sản của nhiều tỉnh thành như Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai… bị tắc đầu ra, không có nơi tiêu thụ.

“Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi đã không thể tìm được nơi tiêu thụ thời điểm thu hoạch rộ vào tháng 6, 7 và tháng 8-2021. Việc này kéo theo giá hàng hóa sụt giảm, người sản xuất nuôi trồng thua lỗ. May mắn, lúc khó khăn nhờ sự hỗ trợ của Sở Công thương và các DN công nghệ, nhà bán lẻ chúng tôi đã xây dựng được giải pháp thương mại điện tử, bán lẻ đa kênh (omnichannel) và ra mắt website https://htxdacsandongthap.com/”, ông Ngô Chí Công, đại diện HTX Đặc sản Đồng Tháp cho biết. Cũng theo ông Ngô Chí Công, thông qua website nói trên, sản phẩm của DN, HTX địa phương đã giới thiệu dễ dàng hơn tới các nhà bán lẻ và người tiêu dùng, từ đó tạo đầu ra ổn định dần cho nông sản. 

Là DN bán lẻ có gần 1.000 điểm bán trên cả nước, đại diện Saigon Co.op chia sẻ rằng, thực tế việc kết nối giữa nhà sản xuất với hệ thống phân phối Saigon Co.op đã diễn ra trên 20 năm nay. Theo đó, Saigon Co.op thường nhận sản phẩm giới thiệu của DN qua hình thức trực tiếp tại trụ sở văn phòng chính. Gần đây, để giúp DN có thể kinh doanh tốt trong tình hình dịch bệnh, bên cạnh việc chào hàng thường lệ, Saigon Co.op đã chuyển sang phương thức nhận chào hàng online. Tức là DN có thể gửi qua bưu điện và Saigon Co.op sẽ tiếp nhận, thẩm định rồi liên hệ lại với DN nếu sản phẩm đạt yêu cầu hoặc thiếu hồ sơ, giấy tờ hay còn có những điểm yếu cần khắc phục nếu muốn đưa vào kinh doanh tại hệ thống. 

Việc linh hoạt số hóa các hoạt động kết nối kinh doanh đã giúp nguồn hàng của Saigon Co.op được bổ sung kịp thời trong suốt giai đoạn dịch bệnh vừa qua bởi thời điểm đó, một số nhà cung cấp do ảnh hưởng dịch bệnh nên không thể sản xuất kịp hàng, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. 

“Thời điểm này, chúng tôi vẫn áp dụng song song hai hình thức chào hàng trực tiếp và online để tạo điều kiện cho DN sản xuất trên cả nước, giúp họ có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng ngay cả trong điều kiện khó khăn nhất”, đại diện Saigon Co.op khẳng định. 

Thông tin thị trường, hỗ trợ nhà sản xuất 

 Không chỉ số hóa các hoạt động kết nối, thông qua sự am hiểu về nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, các nhà bán lẻ còn cung cấp thông tin cho nhà sản xuất để họ kịp thời điều chỉnh sản phẩm phù hợp. Điển hình như Saigon Co.op đang kinh doanh hơn 90% hàng hóa sản xuất trong nước, tuy nhiên không phải sản phẩm nào ngay thời điểm đầu tiên chào hàng cũng đạt yêu cầu. Do đó, Saigon Co.op thường có những góp ý cần thiết để nhà sản xuất hoàn thiện, điều chỉnh. 

Dẫn câu chuyện của một DN sản xuất hạt điều ở Bình Phước chia sẻ tại Hội nghị các nhà cung ứng năm 2021 tại TPHCM mới đây, các sản phẩm của DN này đang không tìm được nơi tiêu thụ. Đại diện Saigon Co.op cho biết, trên thị trường đang có hàng trăm đơn vị sản xuất hạt điều nhưng quầy kệ của Saigon Co.op có hạn nên phải chọn hàng chất lượng nhất, giá cả và mẫu mã bao bì thu hút nhất để kinh doanh.

Không riêng hạt điều mà theo vị này, hiện nay hầu như tỉnh thành nào cũng có sản phẩm OCOP nhưng thực chất không đi vào chiều sâu. Cụ thể, sản phẩm Nem Cô Hoàn (Đồng Tháp) dù là sản phẩm có tính địa phương, ngon và được gắn nhãn OCOP nhưng mẫu mã, bao bì chưa đẹp nên cần cải tiến nếu muốn thu hút khách hàng.

“Tháng 9 vừa qua chúng tôi có làm việc với Liên minh HTX Việt Nam cũng như Trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh thành. Chúng tôi đặt vấn đề là các sản phẩm OCOP nên tập trung vào những sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc sản của địa phương thay vì làm theo phong trào. Và Sở Công thương nên là người định hướng cho các đơn vị sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường, tránh việc thấy người khác sản xuất thì mình cũng làm”, đại diện của Saigon Co.op chia sẻ. 

Cũng như Saigon Co.op, các nhà phân phối, bán lẻ khác như Bách hóa Xanh, Central Retail… đều khẳng định sẽ thông tin cụ thể về xu hướng, thị hiếu của khách hàng tới nhà sản xuất, qua đó giúp họ nắm bắt và chuyển đổi kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới.

Tin cùng chuyên mục