Bán lẻ nội chắp cánh cho hàng Việt

Với sự chung tay, chắp cánh của nhà bán lẻ nội địa, nhiều sản phẩm Việt không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở nội địa mà còn vươn xa đến những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Singapore...
Hàng Việt được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường Singapore qua hợp tác của Saigon Co.op với NTUC FairPrice
Hàng Việt được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường Singapore qua hợp tác của Saigon Co.op với NTUC FairPrice

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các hệ thống phân phối hiện đại trong việc tiêu thụ hàng hóa đã đem lại một bước tiến rất lớn để hàng Việt hoàn thiện từ quy trình sản xuất, tiếp cận thị trường, đóng gói bao bì cũng như quảng bá đến người tiêu dùng trong nước theo xu hướng hiện đại nhất của thế giới. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa, định vị giá trị thương hiệu của hàng nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước, nâng tầm cho hàng Việt tại thị trường quốc tế.

Trong số những nhà bán lẻ tại Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) được đánh giá đã rất tích cực trong việc chủ động đưa ra những chương trình, giải pháp thúc đẩy sự phát triển cho hàng Việt. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, khẳng định, sau 25 năm chính thức lấn sân từ mô hình hợp tác xã qua bán lẻ, tới nay, Saigon Co.op đã chắp cánh cho hàng ngàn sản phẩm Việt không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở nội địa mà còn vươn xa đến những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Singapore. Để làm được như vậy, ông Đức cho biết, ngay từ thời điểm thành lập Co.opmart đầu tiên (tháng 9-1996), nhà bán lẻ này đã tổ chức tháng “Tự hào hàng Việt” để ủng hộ, hỗ trợ các sản phẩm Việt. Trong chiến lược kinh doanh của mình, Saigon Co.op cũng đã đưa tiêu chí sản phẩm đạt tiêu chuẩn “hàng Việt Nam chất lượng cao” vào chính sách chất lượng để chọn lọc hàng hóa đưa vào kinh doanh tại hệ thống.

Từ năm 2009, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Saigon Co.op đã có những giải pháp tích cực chọn lọc hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng nhập khẩu đưa vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị. Đồng thời, đổi tên tháng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành tháng “Tự hào hàng Việt” được tổ chức định kỳ vào tháng 9 hàng năm. 

Không dừng lại ở đó, sắp tới Saigon Co.op xác định sẽ tiếp tục phát triển nâng tầm những chương trình chắp cánh cho hàng Việt thông qua việc hợp tác với nhà cung cấp tìm những giải pháp sáng tạo, mới mẻ hơn. Theo đó, nhà bán lẻ này sẽ tập trung phát triển những giải pháp cốt lõi đã làm thời gian qua như: Luôn kiên định với định hướng ủng hộ hàng Việt bằng giải pháp chuyên môn trong bán lẻ. Điều này thể hiện qua chính sách thu mua, công tác trưng bày, chính sách cụ thể hỗ trợ cho nhà cung cấp giúp họ “dễ thở” và dễ cạnh tranh với nhà cung cấp toàn cầu. Cùng với đó là công tác đa dạng hóa các mô hình bán lẻ để đưa hàng Việt thẩm thấu, tham dự nhiều phân khúc khác nhau trong thị trường. 

Cụ thể, với 10 mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại gồm: 113 Co.opmart, 10 Co.opmart SCA, 437 Co.op Food, 4 Co.opXtra, 135 Co.opSmile, 39 Cheers, 4 Sense City, 4 Finelife, 130 Co.op HomeShopping và cửa hàng Bến Thành - Saigon Co.op khẳng định tất cả đều có sứ mệnh riêng, phân khúc riêng. Do đó, mỗi nhà cung cấp sẽ dễ dàng chọn cho mình mô hình phù hợp nhất để tiếp cận khách hàng. “Chúng tôi có thể ký hợp đồng, hợp tác chiến lược cho từng phân khúc chứ không yêu cầu nhà cung cấp dàn trải lực lượng cho toàn bộ hệ thống của Saigon Co.op”, ông Nguyễn Anh Đức khẳng định. Ngoài ra, Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển mạng lưới, đưa hàng Việt về các địa phương, vùng sâu trên cả nước và dự kiến năm 2025 sẽ đạt tối thiểu 2.000 điểm bán (gấp đôi so với hiện tại). 

Thực tế cho thấy, các chuỗi Co.opmart, Co.op Food và các  mô hình khác của Saigon Co.op đang đi đến những thành phố cấp 2, cấp 3, những huyện, thị xã trong cả nước nên sẽ tạo cơ hội lớn cho nhà cung cấp Việt ở những địa phương này. Bởi lẽ, ngoài chọn phân khúc bán lẻ để phát triển hàng hóa tới người tiêu dùng, nhà cung cấp có thể chọn từng địa phương, vùng miền phù hợp. 

Theo ông Nguyễn Anh Đức, cùng với xu thế phát triển của CMCN 4.0, Saigon Co.op sẽ áp dụng công nghệ điện toán hóa và công nghệ 4.0 để phân phối hàng Việt. Có thể kể tới các giải pháp mà nhà bán lẻ này đang thực hiện như: Hợp tác với ví điện tử MoMo giúp người tiêu dùng đi siêu thị mà không cần mang tiền mặt, hợp tác với Grab, Baemin triển khai mô hình “đi chợ Online”, ra mắt app Saigon Co.op…. Những giải pháp này vừa tạo thuận lợi cho nhà bán lẻ tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm chi phí vừa giúp khách hàng dễ dàng mua sắm. 

Một điểm đặc biệt khác là Saigon Co.op luôn khuyến khích hàng Việt đi theo xu thế hiện đại mà người tiêu dùng đang yêu thích. Chẳng hạn khuyến khích nhà cung cấp phát triển những sản phẩm bảo vệ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm xanh - sạch… Bên cạnh đó, Saigon Co.op sẽ phát triển hàng Việt theo xu thế chuyên môn hóa qua triển khai gắn kết các mô hình hiệp hội, đơn vị chuyên ngành để phát triển hàng Việt theo chuyên đề cụ thể tạo nên thế mạnh cho sản phẩm. Cuối cùng, để hàng Việt vươn ra thế giới, năm 2021, ngoài danh mục 600 mặt hàng đã xuất khẩu tốt ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Saigon Co.op dự kiến tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới cho những sản phẩm như thịt, trứng gia cầm, gạo… doanh thu xuất khẩu khoảng 80 tỷ đồng. “Chúng ta cần có quan điểm mới để ủng hộ hàng Việt vươn xa hơn, không dừng lại ở lời hô hào suông, hay chỉ là hoạt động bỏ hàng trong siêu thị. Vì thế chúng tôi sẽ luôn kiên định với định hướng ủng hộ hàng Việt bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Đó cũng là con đường để chúng tôi vươn lên tầm cao mới, trong đó có kế hoạch vươn ra thế giới”, ông Đức chia sẻ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tỷ lệ trên 85% tại kênh phân phối hiện đại và trên 80% ở kênh phân phối truyền thống. Theo đó, các nhà bán lẻ đã và đang có những giải pháp thiết thực để nâng tỷ lệ hàng Việt trên hệ thống phân phối của mình, đồng thời đưa ra những cải tiến cho sản phẩm, hoạt động khuyến mãi thường xuyên để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng với hàng Việt.

Tin cùng chuyên mục