Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi vì những nội dung “nặng ký” mà kỳ họp này sẽ bàn thảo.
Kỳ họp QH đầu tiên của năm 2013 diễn ra trong bối cảnh những tháng đầu năm 2013, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế trong nước. Thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế, giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp lớn; chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp... vẫn đang là những vấn đề nổi lên hiện nay gây bức xúc trong nhân dân. Đối với cử tri, đây đều là những vấn đề cũ, đã bức xúc nhiều nhưng chưa được giải quyết. Và trong bối cảnh khó khăn vẫn chồng chất như hiện nay, khi mà thậm chí có không ít người bi quan về chiều hướng chuyển biến của nền kinh tế, thì hơn bao giờ hết tại kỳ họp này, cử tri rất đòi hỏi Chính phủ, QH phải có thông điệp rõ ràng hơn, giải pháp mạnh mẽ hơn để giải tỏa những bức xúc đó.
Bên cạnh những vấn đề quốc kế dân sinh, cơm áo gạo tiền cụ thể, nét đặc biệt của kỳ họp này và cũng là nội dung đang được đại bộ phận cử tri cả nước quan tâm, đó là việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh cao cấp. Đây là lần đầu tiên QH thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, tức là các ĐBQH sẽ thay mặt nhân dân để đánh giá về những vị trí chủ chốt, thực hiện quyền giám sát tối cao của mình.
Trong bối cảnh người dân vô cùng mong muốn Đảng, Nhà nước xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì việc QH lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cao cấp được cử tri rất kỳ vọng. Họ kỳ vọng với những lá phiếu tín nhiệm khách quan, công tâm, trách nhiệm của mỗi một ĐBQH, QH sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu về chuyên môn, rèn luyện đạo đức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, để từ đó dân có được một đội ngũ công bộc thực sự của dân, do dân, vì dân.
Không phải ngẫu nhiên mà trong 5 nội dung được cử tri quan tâm nhất tại kỳ họp này có nội dung về lấy phiếu tín nhiệm. Cử tri và nhân dân đã kiến nghị các ĐBQH nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức. Vì thế, việc lấy phiếu tín nhiệm không thể được coi là một thủ tục bình thường, đó phải được coi là một việc làm vì dân vì nước, thể hiện được bản lĩnh và danh dự của mỗi ĐBQH với tư cách đại diện cho nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân trong việc lựa chọn, sàng lọc đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Có thể nói, hơn bao giờ hết, cử tri, nhân dân đang đặt niềm tin ở các ĐBQH - những người họ đã lựa chọn để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Một bên là bản lĩnh của ĐBQH. Một bên là niềm tin của người dân. Và dĩ nhiên, nhân dân mong niềm tin của mình được đặt đúng chỗ.
LÂM NGUYÊN