*Sẽ giảm vé tàu Tết từ 11%-17%
(SGGPO). – 3 giờ chiều ngày 18-11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng - thành viên Chính phủ vừa được Quốc hội tín nhiệm cao nhất tại lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, từ sau kỳ họp thứ 7, đã nhận được 12 chất vấn của 9 vị ĐBQH và đã trả lời bằng văn bản. Chủ yếu chất vấn về vấn đề hạ tầng giao thông; giảm suất đầu tư; trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ GT-VT về giảm tai nạn giao thông (TNGT), nhất là trong tình hình vừa thi công vừa lưu thông.
Những chất vấn trực tiếp chiều nay đối với Bộ trưởng Bộ GT-VT tập trung nhiều vào vấn đề hạ tầng giao thông, mức thu phí đường cao tốc...
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Lã Anh
Hướng đến điều chỉnh giảm giá cước
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) hỏi giải pháp đồng bộ nào đế giá vận tải hợp lý, vì nếu không thì khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, khó mà cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để có giá cả hợp lý, ngành GT-VT đang thực hiện tái cơ cấu, trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc ngành, đầu tư công, vận tải. Trong đó về vận tải, sẽ tái cơ cấu từng lĩnh vực một nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, bảo đảm điều kiện để điều chỉnh giảm giá cước. Cùng với đó, phát huy lợi thế đường biển dài hơn 3.000 km, giảm tải đường bộ, tăng đường sắt. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, yếu tố con người.
“Nhờ vậy, hiện nay tỷ trọng vận tải đường bộ đã bắt đầu giảm, vận tải hàng hải đã tăng lên, đường sắt cũng đã tăng thị phần, cước vận tải đề xuất bắt đầu giảm. Năm nay giá xăng dầu tăng nhiều lần nhưng đường sắt từ đầu năm đến nay không tăng giá vé lần nào. Tết này sẽ giảm vé tàu từ 11%-17%”, Bộ trưởng cho biết.
Về hàng không, Bộ trưởng cũng khẳng định đã đẩy mạnh xã hội hóa, những gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Tổng công ty hàng không Việt Nam cũng đã cổ phần hóa xong, từ lâu nay giá vé máy bay cũng không tăng. “So với Thái Lan, giá vé hàng không Việt Nam thấp hơn”, ông Thăng nói.
Sẽ xây gần 8.000 cầu treo dân sinh
Vấn đề hạ tầng giao thông được các ĐB chất vấn nhiều. Theo ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau), sau 40 năm thống nhất đất nước, đã qua nhiều vị Bộ trưởng Bộ GT-VT, nhưng đường ô tô thông suốt từ Pác Bó -Cao Bằng đến Cà Mau vẫn chưa đạt 100%. “Bao giờ mới đạt?” - ĐB Hoàng hỏi. Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT, mặc dù đầu tư nhiều, hạ tầng giao thông đã được cải thiện lớn, nhưng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Hiện nay, còn 11 huyện đảo chưa có đường ô tô ra huyện. “Khi đất nước có điều kiện sẽ làm cầu, còn hiện nay vẫn phải đi hàng không hoặc tàu”, ông Thăng nói. Ngoài ra, 8 huyện trên đất liền vẫn phải đi qua phà thì ô tô mới đến huyện. “Nhưng 5/8 huyện này sẽ được đầu tư cầu trong năm 2015. Ngành sẽ cùng các địa phương để tìm vốn đầu tư dần”, Bộ trưởng Thăng cam kết.
Còn với đường ô tô về xã, theo kế hoạch đến năm 2020 thì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. “Nhà nước rất chú trọng việc này, gắn với xây dựng nông thôn mới. Dân ủng hộ rất lớn. Các tỉnh cũng đầu tư mạnh, như tỉnh Tuyên Quang mỗi năm đầu tư 700km đường nông thôn; Phú Yên từ đầu năm đến nay đã làm 500km”, ông Thăng cho hay.
Liên quan đến hạ tầng giao thông nông thôn, ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) cũng chất vấn, hệ thống cầu treo ở vùng miền núi là rất cần thiết. Năm 2015 sẽ có bao nhiêu cầu treo mới được xây dựng?. Trả lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, ở vùng miền núi việc đi lại rất khó khăn do cách trở sông suối. “Vẫn còn cảnh người dân phải đu dây, qua sông bằng túi ni-lông. Chúng tôi rất xúc động và chia sẻ với bà con. Vì vậy, Bộ đã chủ động đề xuất, xây dựng đề án làm cầu treo và cầu dân sinh cho 40 tỉnh thành trong cả nước với 7.811 cây cầu, với gần 2.000 tỷ đồng để trình Chính phủ. Sẽ có lộ trình cụ thể để đầu tư, trước mắt đầu tư 186 cầu, đến 30-6-2015 sẽ hoàn thành 186 cầu này”, ông Thăng cho biết. Đồng thời cho rằng, đề hoàn thành đề án xây gần 8.000 cầu treo này, phải huy động vốn từ nhiều nguồn, cả địa phương, vay của các nhà tài trợ, huy động doanh nghiệp và nhà hảo tâm thông qua chương trình nhịp cầu nhân ái.
“Bán” quyền khai thác cao tốc để lấy tiền xây đường cao tốc
Một vấn đề mà vừa qua dư luận rất quan tâm, đó là ngành GT-VT sẽ chuyển giao quyền khai thác một số con đường cao tốc cho các đối tác quản lý và khai thác.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng đường rồi “bán” để rút vốn Nhà nước đi, đây là điều bình thường ở các nước. “Nhưng nếu chuyển giao cho đối tác nước ngoài, sử dụng lâu năm, thu phí cao và họ sử dụng nhân lực không hợp lý thì sao. Bao nhiêu con đường sẽ được chuyển giao?”, bà Hà hỏi.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT. Ảnh: Lã Anh
Về điều này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, hiện nay, Đảng, Nhà nước chỉ đạo ngành GT-VT phải đột phát hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm để phát triển kinh tế. Nhưng nguồn lực ngày càng hạn chế. Tái cơ cấu ngành GT-VT, ngành đề xuất nhiều cơ chế để làm sao huy động được nguồn lực của xã hội. Vừa qua ngành đã huy động được 160.000 tỷ đồng, bằng 60% tổng số vốn đầu tư cho toàn ngành bao gồm cả vốn ngân sách đến vốn vay ODA. “Đây là cố gắng rất lớn. Để đột phá nữa, ngành đang nghiên cứu việc chuyển giao quyền khai thác kết cấu hạ tầng. Đầu tư xong thì chuyển giao cho nhà đầu tư khai thác, quản lý. Đã làm, hiện đang xây dựng đề án để trình Chính phủ để tạo thêm đột phá cho ngành”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, hiện đã làm được 524km đường cao tốc. Nếu chuyển nhượng hết thì lấy tiền làm tiếp 524 km cao tốc nữa, để đến năm 2020 có thể hiện thực hóa mục tiêu làm được 2.000 km cao tốc.
Trả lời câu hỏi chuyển giao xong thì sao, có sợ thu phí cao, nhà đầu tư sử dụng nhân lực thế nào?. Bộ trưởng Thăng cho biết, đường cao tốc Sài Gòn Trung Lương đã thực hiện chuyển giao quyền khai thác 5 năm. Hiện nay một số nhà đầu tư từ nước ngoài xin chuyển giao toàn bộ thời gian theo hợp đồng mà bộ đã ký với nhà đầu tư trước đây, tức là kế thừa toàn bộ hợp đồng: cả mức phí, các điều khoản khác. Vì vậy sẽ không có việc thu phí cao hơn. “Chúng ta hoàn toàn kiểm soát được vấn đề này, kể cả về mức phí họ thu cũng như sử dụng nhân lực”, Bộ trưởng Bộ GT-VT cam kết.
Cũng theo ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), việc thu phí cần được quan tâm, vừa bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích người dân. “Vậy phí đường cao tốc có quá cao không?”, ĐB hỏi.
Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT, mức thu phí là theo khung giá quy định, phụ thuộc vào tổng mức đầu tư dự án, thời gian thu vốn, lưu lượng xe.. Trên cơ sở hợp đồng giữa chủ đầu tư với địa phương để định mức giá. “Vừa qua thu phí cao tốc Hà Nội-Lào Cai bị kêu là cao, nhưng sau đó trao đổi với Hiệp hội vận tải thì thấy thời gian giảm được 1/2, chi phí giảm 30%, đi đường thẳng nên an toàn..So với đường sắt Hà Nội-Lào Cai thì tiện hơn nhiều, hiện nay lượng khách đi tàu đã giảm ½. Vì vậy, mức phí cao tốc đó là phù hợp. Giờ người dân đi vi vu, có thể vừa nghe nhạc, làm thơ, thậm chí sáng tác nhạc, vì đường rất tốt”, Bộ trưởng dí dỏm. Ông cũng cho rằng, thực tế cho thấy, vừa qua việc huy động vốn ngoài xã hội là yếu tố thành công để làm đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.
“Vì vậy, để kêu gọi được nhà đầu tư thì phải bảo đảm mức phí thu phù hợp. Để việc thu phí nhanh nhất, tránh thất thoát, thì hiện nay Bộ đang xây dựng đề án thu phí tự động, không dừng. Tức là không cần dừng, xe cứ đi qua máy sẽ tính tiền, kiểm soát được toàn bộ phí. Điều này bảo đảm thời gian cho xe, giúp cho kiểm soát phương tiện, xử phạt của cảnh sát giao thông. Tất cả sẽ đưa vào hết đề án này”, ông Thăng nói.
“Đã không hứa thì thôi, đã hứa sẽ làm đúng” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
PHAN THẢO