Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong giai đoạn căng thẳng sau vụ máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay cường kích Su-24 của Nga. Lịch sử cho thấy, quan hệ giữa hai nước có yếu tố thù nhiều hơn bạn và bóng ma “thù hận” đang trở lại. Đòn cấm vận kinh tế và thương mại của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới xem ra khá nặng nếu hai bên chưa tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng quan hệ hiện nay.
Công trình xây dựng trung tâm thương mại Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị ngừng lại
Quan hệ thăng trầm
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga do V.I. Lenin đứng đầu là nước ủng hộ vàng và vũ khí cho phong trào cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ những năm 1920-1922 do nhà lãnh đạo Mustafa Kemal dẫn đầu. Sự ủng hộ góp phần vào việc hạ bệ đế chế Ottoman và giúp Thổ Nhĩ Kỳ giành chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh khác. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga là quốc gia thứ hai chính thức công nhận Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ do nhà lãnh đạo Kemal đứng đầu bằng Hiệp ước Mátxcơva ký ngày 16-3-1921.
Trong Thế chiến II, Thổ Nhĩ Kỳ về danh nghĩa đứng trung lập cho đến ngày 23-2-1945, Liên Xô xem mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là đồng lõa với kẻ thù nên đến ngày 19-3-1945, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov thông báo với đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga rằng, Liên Xô đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước không xâm lược 1925. Nguyên nhân là do Thổ Nhĩ Kỳ cho phép tàu chiến Đức đi qua eo biển Bosporus và Dardanelles do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát theo Công ước Montreux ký năm 1936. Hai eo biển này nối liền biển Đen với biển Aegea ra Địa Trung Hải. Công ước Montreux cho Thổ Nhĩ Kỳ toàn quyền kiểm soát eo biển và bảo đảm tự do đi lại của tàu dân sự trong thời bình. Hạn chế sự di chuyển của các tàu hải quân không thuộc các nước khu vực biển Đen.
Tại Hội nghị Potsdam (tháng 7-1945), Thủ tướng Nga Joseph Stalin yêu cầu sửa đổi của Công ước Montreux, theo đó cho phép Liên Xô có quyền tham gia bảo vệ các eo biển nói trên nhưng đã bị Thổ Nhĩ Kỳ, với sự ủng hộ của phương Tây, từ chối. Tháng 3-1947, với học thuyết Truman, Mỹ đã bảo lãnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (cũng như Hy Lạp), viện trợ cho nước này và Mỹ cũng bảo lãnh cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1952.
Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cải thiện. Vào ngày 25-5-1992, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Süleyman Demirel thăm Nga và ký kết một hiệp ước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, lập nền tảng mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Mặc dù vậy, hai nước vẫn còn bất đồng về tranh chấp biên giới ở khu vực Capkaz và hệ quả các quan hệ trong quá khứ, Nga vẫn xem việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) gây tổn hại quan hệ hai nước.
Dần dần, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được cải thiện không ngừng và trở nên đặc biệt dưới thời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Vào tháng 5-2010, Tổng thống Nga Medvedev có thăm Thổ Nhĩ Kỳ và có hàng loạt ký kết, trong đó có việc dỡ bỏ thị thực. Các giao dịch cũng được kỳ vọng sẽ làm giá trị thương mại tăng từ 44 tỷ USD lên 100 tỷ USD vào năm 2023. Cả hai quốc gia đã nhận thấy lợi ích chung trong việc củng cố các khoản đầu tư song phương lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký một thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD, theo đó công ty Nga Atomstroyexport sẽ xây nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ và xây dựng đường ống dẫn khí TurkStream dài 900km với chi phí 10 tỷ USD từ Nga chạy dọc biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến khởi công năm 2016.
Ảnh hưởng kinh tế do căng thẳng mới
Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại hai nước đạt 44 tỷ USD năm 2014 và xuất khẩu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 15 tỷ USD. Sau sự cố bắn rơi máy bay chiến đấu lần này, ngoài việc ngừng tất cả quan hệ về quân sự, Nga tuyên bố lần lượt ngừng hợp tác về kinh tế, thương mại và du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết, Nga có thể hạn chế các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga và ngược lại, chuẩn bị ngừng xúc tiến thành lập khu vực tự do thương mại giữa hai nước và giảm tốc độ các dự án lớn như dự án đường ống dẫn khí TurkStream và dự án xây nhà máy điện hạt nhân của Nga đang xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga về năng lượng, lượng khí đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu từ Nga chiếm 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này và lượng dầu nhập từ Nga chiếm 30% tổng lượng dầu nhập khẩu. Vì vậy, sự gián đoạn nguồn cung này sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Hải quan Nga kiểm tra nông sản nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ
Quan trọng hơn nữa, du khách Nga là nguồn thu quan trọng của ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cục Du lịch của Nga cho biết hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ngưng trệ. Ít nhất hai công ty lữ hành lớn của Nga ngừng bán các gói tour đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nga chỉ đứng thứ hai sau Đức về số lượng du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 3,3 triệu lượt du khách (số liệu của Cơ quan du lịch Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 1 đến tháng 9-2015) mang lại doanh thu khoảng 4 tỷ USD/năm cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang thâm hụt mậu dịch. Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), ngành công nghiệp du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ có tổng số 2,1 triệu việc làm, nhiều hơn so với các ngành khai thác khoáng sản, sản xuất hóa chất, sản xuất ô tô, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2015, du lịch mang về 21 tỷ USD doanh thu cho Thổ Nhĩ Kỳ, đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Dự kiến năm 2015 (nếu không xảy ra cấm vận du lịch từ Nga), tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ mức 5,8% GDP năm 2014, còn 5% trong năm nay, theo dự báo của Bloomberg.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng nói thêm rằng Nga có thể áp đặt các hạn chế về xuất nhập khẩu lương thực, nông sản từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nga là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua lúa mì nhiều nhất của Nga. Theo Sputnik, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev cho biết, Nga đã nâng quyền kiểm soát nguồn cung cấp các nông sản và thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ và phát hiện nhiều trường hợp sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ không đạt tiêu chuẩn của Nga. Ông lưu ý rằng, 20% lượng rau quả của Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga có thể bị tạm ngừng và Nga có thể lựa chọn mua từ nơi khác.
Chính quyền khu vực Crimea (hiện do Nga điều hành) tuyên bố đã đóng băng các dự án tại Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 500 triệu USD. Tổng thống Vladimir Putin phát biểu với ABC News cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã “vô tư” phá hủy những gì ông gọi là “chưa từng có” trong quan hệ tốt đẹp với Nga. |
KHÁNH MINH (tổng hợp)