Bản sắc dân tộc trong văn hóa: Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống

Sáng 17-7, đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TPHCM quá trình hội nhập quốc tế hiện nay”do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM tổ chức. Đã có 48 tham luận của 44 nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ gửi về tham dự hội thảo với những ý kiến ở nhiều góc độ khác nhau.
Bản sắc dân tộc trong văn hóa: Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống

Sáng 17-7, đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TPHCM quá trình hội nhập quốc tế hiện nay”do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM tổ chức. Đã có 48 tham luận của 44 nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ gửi về tham dự hội thảo với những ý kiến ở nhiều góc độ khác nhau.

Chương trình Tiếng hát mãi xanh được nhiều khán giả quan tâm.

Chương trình Tiếng hát mãi xanh được nhiều khán giả quan tâm.

Nhạt nhòa bản sắc

PGS-TS Trần Luân Kim ở góc độ một nhà nghiên cứu đã nêu ra thực trạng chung của vấn đề thiếu vắng hoặc nhạt nhòa bản sắc dân tộc trong các tác phẩm VHNT hiện nay: “Trước hết là do ta chưa định hình và từ đó chưa thực thi có hệ thống sự kế thừa đúng đắn các giá trị truyền thống dân tộc, khiến nhận thức chung nông cạn, có khi sai lệch, thiếu khoa học về mối quan hệ giữa hiện đại và dân tộc; lại đánh giá sai một số giá trị của văn hóa truyền thống, dẫn đến coi nhẹ hoặc bất lực trước đòi hỏi thể hiện bản sắc dân tộc…”.

Hầu hết các đại biểu đều tán đồng ý kiến tổng quát nêu trên, tuy nhiên mỗi cá nhân đều có các nhìn nhận cụ thể dưới những góc độ khác nhau.

TS Hồ Bá Thâm cho rằng cần phải nhìn nhận thẳng rằng việc phát huy bản sắc dân tộc trong VHNT chưa thành công một phần không nhỏ ở tư duy đổ lỗi hơn là tìm cách giải quyết vấn đề. Ông trích dẫn ý kiến của ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam: “Xét về mặt tư duy chúng ta khác thế hệ trẻ và thế giới tiến bộ chỉ một điều: Với thế hệ trẻ thành đạt của Việt Nam cũng như các nước tiên tiến trên thế giới là ngay khi thành công, họ luôn mổ xẻ để xem có cách nào thành công hơn. Còn tư duy của chúng ta thường là luôn tìm kiếm các nguyên nhân khách quan để bào chữa cho những điều chưa thành công của mình”.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP, nhìn nhận ở một góc độ khác, khi cho rằng vấn đề còn nằm ở khâu lãnh đạo, chỉ đạo; ở việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bà nêu ra một số vấn đề như chưa có chế độ thích đáng về đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng với các tài năng; chính sách đầu tư cho văn hóa, văn nghệ còn nhiều bất hợp lý, chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Trong chỉ đạo điều hành có phần tập trung lo cho các hoạt động trước mắt như lễ hội, hội diễn, hội thi, liên hoan… Nói chung, cơ chế quản lý văn hóa chậm được đổi mới, bộ máy và cán bộ quản lý chậm kiện toàn.

Cụ thể hơn nữa, NSND Đặng Hùng nêu lên một ví dụ, năm 2013 anh có một người bạn người Australia qua thăm, người bạn có ý muốn xem múa Việt Nam. Nghệ sĩ giới thiệu các rạp có múa nhưng vài ngày sau, người bạn quay lại và bảo vẫn chưa được xem múa Việt Nam, tất cả các rạp anh đi đều chỉ có một kiểu múa hao hao nhau. Nghệ sĩ Đặng Hùng cho biết, ở nhiều nước, có quy hoạch cụ thể nhà hát nào múa truyền thống, nơi nào múa hiện đại, còn ở ta đến nay vẫn chưa có quy hoạch đó.

Bản sắc dân tộc ở mỗi con người

Các đại biểu lo lắng vì những điều chưa làm được trước thực trạng bản sắc dân tộc đang bị phai mờ trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Thế nhưng, không ai cho rằng bản sắc dân tộc đang mất đi mà tất cả đều thừa nhận do những vấn đề về quản lý, sáng tác... mà bản sắc đó chỉ tạm thời bị che khuất đi.

Nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban nhà thơ trẻ Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng trong bối cảnh rào cản thông tin ngày càng mong manh, những tác giả trẻ đứng trước những thử thách lớn và nhiều người đã không vượt qua được, chạy theo thị hiếu, theo giá trị phù phiếm không chỉ gây tác hại xấu đến xã hội và còn làm hỏng cả khả năng sáng tạo của chính mình.

Thế nhưng, khi đất nước đứng trước những khó khăn, trước những những hành vi xâm phạm thì cũng chính những người trẻ tự đứng lên, nhanh chóng nhập cuộc. Bằng lời thơ, câu văn, họ góp phần nói lên tình yêu của người trẻ với chủ quyền biển đảo quê hương, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Chính những điều này cho thấy tình yêu quê hương đất nước vẫn tồn tại trong tâm khảm người trẻ hôm nay.

Nhà văn, nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng nêu lên một ví dụ khác, giữa lúc tưởng chừng VHNT truyền thống đã bị quên lãng thì những chương trình truyền hình như Tiếng hát mãi xanh (HTV), Giai điệu tự hào (VTV) được đón nhận nồng nhiệt. Hay những vấn đề về đờn ca tài tử Nam bộ, quan họ, hát chèo, hát xẩm… khi được quảng bá đúng cách đã nhanh chóng được khán giả từ già đến trẻ đón nhận.

PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liên (Nhạc viện TPHCM) cho biết, nhiều học trò của cô vẫn hay hỏi: “Bản sắc dân tộc là gì để chúng em biết mà gìn giữ khi biểu diễn?”. Một ý kiến khác thì nêu lên vấn đề, có viện nghiên cứu bảo tồn âm nhạc truyền thống bằng cách đặt nhạc cụ trong lồng kính, các đĩa ghi âm cất kỹ. Ở nơi khác thì ngược lại, nhạc dân tộc, cổ truyền bị biến tấu để phục vụ “người hiện đại”…

Chính vì thế, bà Lê Tú Cẩm mới đề xuất đưa ra những tiêu chí cụ thể để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong từng loại hình nghệ thuật. Hay như ý kiến của ông Lê Nguyên Hiều ở Phòng Nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TP đề xuất nên bổ sung thêm một số đặc tính vào quan điểm về văn hóa để tránh lạc hậu.

Dù rằng những tiêu chí hay ý kiến trên còn cần nhiều tranh luận, đánh giá nhưng nó cho thấy cần thiết phải có những quan điểm đồng nhất và cụ thể về bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.

"Bản sắc dân tộc không phải là cái bất biến mà nó luôn được bồi đắp và kết tụ. Bản chất của cuộc sống là không ngừng đổi mới để vươn lên. Do vậy, mục đích của cuộc hội thảo là hướng đến các giải pháp về việc làm thế nào để bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TPHCM trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Tiếp thu tinh hoa văn hóa và phương thức hoạt động văn học, nghệ thuật tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới như thế nào để vừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân TP vừa làm phong phú, đặc sắc thêm đời sống văn hóa, nghệ thuật của thành phố"

 THÂN THỊ THƯ
(Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy
Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM)

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục