Bán trú vệ tinh, hình thức bán trú tự phát với việc đưa học sinh các trường tiểu học, THCS về ăn trưa, ngủ trưa và học buổi hai tại các cơ sở giáo dục tư nhân đang nở rộ ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, quản lý nhóm lớp này như thế nào đang là bài toán khó đặt ra cho các địa phương.
Nở rộ cơ sở bán trú vệ tinh
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, toàn quận hiện có 7 nhóm bán trú vệ tinh tự phát đang hoạt động, nơi ít nhất giữ khoảng 30 cháu và nơi nhiều nhất đến 430 em. Tổng cộng có hơn 770 học sinh đang theo học tại các cơ sở bán trú, tập trung nhiều ở bậc tiểu học.
Đơn cử ngay đối diện Trường Tiểu học An Hội (phường 8, quận Gò Vấp), có 2 cơ sở bán trú đang hoạt động là nhóm trẻ tư thục Thần Đồng và nhóm trẻ Bình Minh, mỗi nơi có khoảng 70 em đang theo học. Bà Hà Thị Tú Trinh, quản lý nhóm trẻ Bình Minh, cho biết nhóm thành lập từ năm 2006, đến nay đã hơn chục năm, nhưng cơ sở vật chất vẫn từ nguồn thuê mướn và chưa có giấy phép mở lớp bán trú. Tại đây, việc giữ trẻ chia làm hai ca, sáng từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ 30, chiều từ 12 giờ đến 17 giờ. Học sinh học buổi sáng ở trường công lập sẽ được đón về cơ sở ăn trưa, nghỉ ngơi và học ngoại khóa đến 17 giờ. Ngược lại, học sinh học buổi chiều sẽ được cha mẹ chở đến cơ sở từ buổi sáng, ăn, ngủ và sinh hoạt ở đó đến đầu giờ học buổi chiều sẽ có nhân viên của cơ sở đưa các em qua trường công lập học buổi chính khóa.
Riêng tại cơ sở Thần Đồng, học sinh học ở các trường xa sẽ có xe đưa đón tận trường với chi phí thu thêm 100.000 đồng/học sinh/tháng cùng với học phí cơ bản 900.000 đồng/học sinh/tháng. Quản lý cơ sở Thần Đồng, bà Nguyễn Ngọc Thu Vân cho biết, sau buổi học chính khóa ở trường, khi đến với cơ sở học sinh sẽ được ôn luyện lại kiến thức, kết hợp với việc kiểm tra, dò bài theo hướng dẫn của giáo viên.
Học sinh được tổ chức ăn, ngủ và học buổi hai tại Trường TH-THCS Hồng Ngọc (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú)
Ở quận Tân Phú, mô hình bán trú vệ tinh đã xuất hiện gần 2 năm nay. Tại đây, hiện có 3 cơ sở bán trú đang hoạt động, gồm 2 cơ sở giáo dục ngoài giờ và Trường TH-THCS tư thục Hồng Ngọc (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) với tổng số gần 500 học sinh theo học. Bà Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường TH-THCS tư thục Hồng Ngọc, cho biết, học sinh học buổi hai tại trường đến từ nhiều trường tiểu học công lập khác nhau trên địa bàn quận như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Văn Chính, Hồ Văn Cường, Tô Vĩnh Diện… Chương trình học gồm cả tiếng Việt và bồi dưỡng tiếng Anh, kết hợp thêm các tiết rèn luyện kỹ năng sống, học năng khiếu. Học phí của trường dao động từ 1.370.000 - 1.470.000 đồng/học sinh/tháng, tùy từng khối lớp. Riêng ở quận Tân Bình, học sinh ở 3 trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản và Lê Thị Hồng Gấm không học bán trú ở trường sẽ được giới thiệu học buổi hai tại Trường Tiểu học dân lập Lương Thế Vinh (phường 14, quận Tân Bình) với học phí 1.460.000 đồng/học sinh/tháng.
Cần cơ chế tổ chức, giám sát rõ ràng
Sau khi tham quan mô hình bán trú ở các quận, huyện, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, đánh giá cao vai trò xã hội hóa của mô hình bán trú vệ tinh trong việc giảm bớt gánh nặng bán trú cho trường công lập. Tuy nhiên, bà Nhung cũng lưu ý các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở để nắm bắt tình hình, đảm bảo an toàn cũng như chất lượng giảng dạy. Bởi theo báo cáo của các quận, huyện, “bán trú vệ tinh” hiện nay còn là khái niệm khá mới, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, nhập nhèm trong phân loại loại hình nuôi giữ trẻ hay dạy thêm, học thêm khiến cả Sở GD-ĐT và UBND quận, huyện đều lúng túng trong việc kiểm tra, quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên viên Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, căn cứ theo Thông tư 04 do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28-2-2014 về hướng dẫn cấp phép đối với các hoạt động dạy học ngoài giờ và giáo dục kỹ năng sống, Sở GD-ĐT chỉ cấp phép đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, không đi kèm nuôi dưỡng (tổ chức ăn, ngủ). Trong khi đó ở địa phương, ngoài việc cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND phường, quận không có đủ năng lực và quyền hạn giám sát hoạt động giáo dục. Do đó, dù đã tồn tại nhiều năm qua nhưng mô hình bán trú này vẫn được xem là hoạt động tự phát, thiếu quản lý của các cơ quan chức năng.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết từ cách đây nhiều năm trước, Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp đã tham mưu cho UBND quận xây dựng dự thảo quy chế quản lý tạm thời hoạt động của nhóm trẻ bán trú bậc tiểu học. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến, Phòng Tư pháp quận cho biết hiện chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào hướng dẫn việc quản lý các nhóm trẻ theo mô hình này nên UBND quận Gò Vấp không thể thông qua dự thảo. Nghịch lý ở chỗ đối với bậc mầm non, nhóm trẻ trông giữ từ 7 bé trở lên đã được cấp phép nhưng ở bậc tiểu học, nhiều nhóm trẻ đang hoạt động với quy mô từ 60 - 70 bé (gấp 10 lần bậc mầm non) vẫn không được cấp phép hoạt động. Đa phần hoạt động của những cơ sở này đều dựa trên sự thỏa thuận giữa phụ huynh và cơ sở, địa phương chỉ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống cháy nổ. Mọi hệ lụy phát sinh (nếu có) về chất lượng giáo dục đều bỏ ngỏ, khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Cùng với nỗ lực xây dựng trường, lớp, rõ ràng việc các trường tư thục, cơ sở tư nhân mở lớp bán trú là một trong những biện pháp nhằm giảm bớt áp lực tìm chỗ gửi con bán trú của người dân. Tuy nhiên, nếu thành phố không sớm ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn hoạt động của mô hình này theo đặc thù riêng của địa phương thì về lâu dài sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Do đó, theo kiến nghị của nhiều đơn vị, ngành GD-ĐT nên sớm nhìn nhận bán trú vệ tinh là một trong những mô hình hoạt động mới trong lĩnh vực giáo dục, phối hợp tốt với các địa phương trong việc quản lý để đem lại sự yên tâm, tin tưởng cho người dân.
THU TÂM