Khi chúng tôi đến thôn đảo Hà Sơn (xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình), đã thấy bóng dáng của những chiến sĩ biên phòng túc trực với dân làng. Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình nói: “Trong khó khăn nhất, trong mưa gió bão lốc, cán bộ chiến sĩ biên phòng bằng mọi giá phải đến với dân…”.
Tan tác quê nghèo
Sau trận lốc vào 1 giờ sáng ngày 16-10, khiến toàn bộ Quảng Sơn tan hoang. Nặng nề nhất là hai thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn, nhà cửa xiêu vẹo, ngói, tấm lợp bay la liệt. Cho đến ngày 17-10, khi một nhóm nhà báo tiếp cận được thôn đảo Hà Sơn ở sông Rào Nan, một nhánh thượng nguồn sông Gianh để qua với người dân nơi đây, cả xóm bỏ dở việc dọn dẹp trong hoang tàn để xin nước uống, mì tôm, áo quần có thể mặc được.
Đi đâu ở Hà Sơn cũng thấy cảnh hoang tàn đổ nát, cả làng có 79 hộ, 342 khẩu bám giữa ốc đảo, nơi nào khô ráo được nhường cho trẻ em, người già; đàn ông và phụ nữ trong làng chạy chữa người bị thương, lên đò vượt sông đi viện, số còn lại ở giữa làng chạy lui chạy tới như con thoi để tiếp tế lương thực, thực phẩm. Nhà ai có gì thì chia sẻ cho chòm xóm để dìu nhau qua hoạn nạn,
Rời Hà Sơn, chúng tôi qua Linh Cận Sơn, Trưởng thôn Trần Ngọc Giới, nói trong ngấn lệ: “Làng tui có hơn 250 hộ, 1.231 khẩu, người nào cũng lấm lem bùn đất, nhà mô cũng toang hoác sau lốc, lũ ngập, chẳng còn nhà nào nguyên vẹn”. Lốc đi qua, làng nghèo đau buồn trong khăn tang.
Anh Phan Xuân Phú (58 tuổi) ở trong căn nhà phía đầu làng cùng vợ dọn dẹp hậu quả của bão thì lốc ập vào, nhà mới xây có tường chắc chắn nhưng vẫn bị sập đổ. Anh chết, người vợ Trần Thị Lĩnh được xóm làng bới gạch đá đưa đi Bệnh viện Việt Nam-Cuba (Đồng Hới) trong tình trạng hôn mê. Phía giữa làng, mẹ chị Lĩnh, bà Trần Thị Tý đang vật lộn với gió hú thì tường nhà đổ xuống, căn nhà tiêu tan trong gió lốc, bức tường bờ lô đè khiến bà Tý gãy nhiều xương sườn, chấn thương sọ não, hai chân bị cột nhà chấn gãy đôi. Hàng xóm chỉ biết đào bới trong mưa gió để đưa bà đi bệnh viện. Còn nước còn tát…
Thương nhất trường hợp ông Mai Xuân Phú (51 tuổi), ở nhà một mình bị tường đè chết. Ngày đưa tang, vợ ông Phú mưu sinh tận miền Nam, nước lũ lên, hàng xóm đi mua hòm, khâm liệm, đưa lên đò chèo vào núi an táng nhưng đò lật, hòm trôi lềnh bềnh giữa nước bạc. Phải nhờ đến các chiến sĩ bộ đội biên phòng mới “cứu” được quan tài không bị lũ cuốn. An táng xong, lũ rút, bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Phú mới về lập ảnh thờ, xới được bát cơm cúng từ gạo mót trong căn nhà nát.
Trận lũ quét kinh hoàng ập về đột ngột khiến hàng ngàn hộ dân ở xã biên giới Sơn Kim 2, huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh không kịp trở tay. Đến chiều 17-10, mặc dù nước lũ ở xã Sơn Kim 2 đã rút xuống một phần, nhưng hàng chục ngôi nhà dân vùng thấp trũng ở khu vực thôn Làng Chè, Thượng Kim, Hạ Vàng… vẫn ngập sâu trong nước từ 1-2m. Đây là trận lũ quét lớn nhất kể từ năm 2002. Toàn bộ tài sản của bà con chắt chiu bằng mồ hôi, nước mắt bỗng chốc bị dòng nước lũ hung dữ cướp cuốn trôi. Trong đợt lũ quét kinh hoàng này, Sơn Kim 2 được xác định là xã bị thiệt hại nặng nề nhất huyện Hương Sơn.
Bà Nguyễn Thị Liễu (52 tuổi, ở thôn Làng Chè, Sơn Kim 2) nói trong nước mắt: “Lũ quét hết cả rồi, người vẫn còn đây nhưng không biết lấy gì mà ăn, lấy gì mà sống tiếp nữa đây…”.
Đến với dân
Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, nói: “Trong khó khăn nhất, trong mưa gió bão lốc, cán bộ chiến sĩ biên phòng bằng mọi giá phải đến với dân. Đơn vị đã điều 2 ca nô túc trực đưa dân đi bệnh viện, tiếp tế lương thực, nước uống từ hai ngày nay. Cắt cử 30 cán bộ chiến sĩ ở lại với dân 24/24 giờ giúp bà con dọn dẹp”. Trong ngày 18-10, sẽ có thêm 100 cán bộ chiến sĩ biên phòng khác về hỗ trợ người dân nơi đây. Cùng lúc, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cũng đã điều về thôn Linh Cận Sơn 150 quân nhân, bắt đầu lợp lại mái nhà cho người dân. Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã điều động hơn 100 cán bộ chiến sĩ giúp bà con dọn dẹp sau bão lũ, gầy dựng lại cuộc sống trong thời gian sớm nhất.
Ngay trong ngày 16-10, UBND huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã vận chuyển 270 thùng mì tôm, 100 két nước; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chuyển 100 thùng mì tôm cùng 150 cán bộ, chiến sĩ khẩn cấp về cứu trợ, giúp người dân xã Sơn Kim 2 khắc phục hậu quả. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng hỗ trợ 25 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng cho gia đình bị ngập và 1 triệu đồng cho nhà bị cuốn trôi).
“Bằng mọi giá phải đến với dân” đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim ở mảnh đất nghèo miền Trung những ngày này...
MINH PHONG - DƯƠNG QUANG