Bảng quang điều phối giao thông: Chưa khai thác đúng công năng

Nhiều bảng quang điều phối giao thông đã được đầu tư lắp trên các tuyến đường ở TPHCM, như Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, 3 Tháng 2, Nguyễn Văn Trỗi… Thế nhưng, các bảng quang này không hiển thị thông tin cập nhật về tình hình giao thông trên đường để giúp người tham gia giao thông tránh đi vào những con đường đang xảy ra kẹt xe.
Bảng quang điều phối giao thông: Chưa khai thác đúng công năng

Nhiều bảng quang điều phối giao thông đã được đầu tư lắp trên các tuyến đường ở TPHCM, như Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, 3 Tháng 2, Nguyễn Văn Trỗi… Thế nhưng, các bảng quang này không hiển thị thông tin cập nhật về tình hình giao thông trên đường để giúp người tham gia giao thông tránh đi vào những con đường đang xảy ra kẹt xe.

Kém hiệu quả

Nhiều bạn đọc đã bức xúc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP góp ý về việc các bảng quang điều phối giao thông lắp đặt trên nhiều tuyến đường không được khai thác đúng công năng, chỉ hiển thị nội dung luật giao thông. Đã vậy, hình ảnh và chữ nhỏ, khó đọc, các bảng quang lại được lắp gần nhau, nên càng thêm lãng phí, vì không ai có thể vừa chạy xe vừa căng mắt đọc. Nếu chỉ như vậy thì đầu tư quá lãng phí.

Thường ngày đi qua con đường Võ Thị Sáu, bạn đọc Hồ Văn Thắng (quận 3) thắc mắc: “Bảng quang điều phối giao thông chỉ để hiển thị dòng chữ “Không uống rượu bia, đi đúng làn đường…”. Khi đưa hiển thị hướng dẫn đường đi thì là chuyện mọi người đều đã biết, và những tấm biển báo giao thông ngay phía dưới cũng đã chỉ dẫn đường đi rồi. Lẽ nào đầu tư các bảng quang này chỉ để... trang trí cho có vẻ hiện đại?”. Bạn đọc Nguyễn Thành Khải ngụ ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) phản ánh: “Có bảng quang hư nhiều đèn led, chớp nháy chữ mất chữ còn, đọc không ra. Hư hơn một tháng nay, chẳng tác dụng gì, cũng không thấy đơn vị chủ quản kiểm tra, khắc phục”.

Thực vậy, từ thông tin phản ánh của bạn đọc, PV Báo SGGP đã quan sát và ghi nhận thực trạng bất cập, kém hiệu quả của các bảng quang điện tử. Hoạt động không đồng bộ, nội dung tùy tiện, có bảng ghi “Phải đi đúng làn đường”, bảng khác ghi “Điều khiển xe phải đi đúng làn đường, phần đường”. Qua đó cho thấy việc đầu tư, quản lý công nghệ thông tin nhưng chắp vá, thiếu bài bản, khoa học.

Bảng quang trên đường 3 Tháng 2, gần giao lộ Sư Vạn Hạnh, hiển thị nôi dụng về các loại phương tiện giao thông bị cấm qua cầu vượt Nguyễn Tri Phương, nhưng chữ rất nhỏ và câu dài chi chít chữ, nên nếu điều khiển xe chạy ngang qua bảng quang sẽ không thể nào đọc hết toàn bộ thông tin cấm này. Như vậy bảng quang chẳng tác dụng gì, mà còn thậm chí dễ gây ra tai nạn nếu người tham gia giao thông cố gắng đọc cho hết thông tin.

Ở hướng ngược lại trên đường 3 Tháng 2, bảng quang gần giao lộ Lý Thường Kiệt lại không hiển thị thông báo về các phương tiện bị cấm qua cầu vượt Nguyễn Tri Phương, mà chỉ hướng dẫn đường đi và luật giao thông.

Bảng quang điều phối giao thông trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) bị hư nhiều đèn, sọc màn hình, mất chữ.

Lắp cách nhau chỉ khoảng hơn 100m nhưng bảng quang đường Phan Đình Giót và đường Trần Quốc Hoàn hướng dẫn không đồng bộ, khiến người đi đường rất khó hiểu. Bảng quang đường Phan Đình Giót hướng dẫn đường đi ra phía trước, kèm theo ký hiệu chỉ dẫn màu sắc (đông xe, ùn ứ, bình thường). Còn trên đường Phan Đình Giót hướng ra đường Trường Sơn và Trần Quốc Hoàn chỉ ngắn khoảng 100 mét và hiếm xảy ra ùn tắc, nên việc lắp bảng quang này ở đây là không cần thiết. Trong khi đó, cũng có nhiều bảng quang đã được lắp đặt nhiều tháng nhưng vẫn chưa hoạt động.

Đường truyền lạc hậu

Theo luật giao thông, người điều khiển phương tiện phải luôn chú ý quan sát phía trước, do vậy làm sao có thể đọc các bảng quang đặt trên cao 5,5m? Ở các nước, chức năng của bảng quang là để cảnh báo phía trước có tai nạn, tuyết rơi, hố tử thần… để người điều khiển phương tiện biết đường tránh. Trong khi các bảng quang được đầu tư ở TPHCM không kết nối với nhau, chỉ hoạt động đơn lập, không có trung tâm điều khiển, nên chỉ là bảng tuyên truyền bằng đèn, gây lãng phí rất lớn.

Ông Đậu An Phúc, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP) cho biết: “Bảng quang dùng để tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo… Vào giờ cao điểm kẹt xe sẽ được chương trình Giao thông trên kênh VOV giao thông (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) thông báo, truyền về trung tâm tin tức để đưa lên bảng. Đường truyền còn chậm, lạc hậu, nên hoạt động chưa hiệu quả. Do chưa xây dựng được trung tâm điều hành giao thông nên hệ thống đo đếm và camera quan sát phụ thuộc vào kênh VOV giao thông. Hiện Sở GTVT TPHCM đang quản lý 17/49 bảng quang; những bảng quang còn lại chưa được chủ đầu tư bàn giao, hoặc chưa xây dựng xong hạ tầng. Do công nghệ vẫn chưa phát triển nên bảng quang chưa khai thác hết chức năng. Trong tương lai, Sở GTVT TP sẽ khai thác bảng quang với nhiều mục đích cao hơn, nhằm quản lý, kiểm soát, điều hành hệ thống giao thông và tích hợp thông tin nhanh nhất, phù hợp hơn”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục