Băng sẽ tan?

Hôm nay 18-1, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lên đường khởi đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm bởi diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai cường quốc vừa trải qua một thời kỳ khá lạnh nhạt với nhiều bất đồng.

Hôm nay 18-1, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lên đường khởi đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm bởi diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai cường quốc vừa trải qua một thời kỳ khá lạnh nhạt với nhiều bất đồng.

Về kinh tế, Mỹ tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ (NDT) so với USD. Phía Trung Quốc không ngừng phê phán Cục Dự trữ liên bang Mỹ bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ The Wall Street Journal và The Washington Post ngay trước chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng động thái bơm tiền của Mỹ là tấn công trực diện vào những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc.

Trong khi đó, mức thặng dư thương mại luôn nghiêng về phía Trung Quốc và trong năm nay có thể đạt tới 270 tỷ USD. Ngoài ra, căng thẳng Mỹ-Trung diễn ra thường xuyên hơn khi hai bên liên tục kiện tụng nhau ở WTO vì những hàng rào thương mại.

Ở lĩnh vực an ninh, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều khác biệt, thậm chí nghi kỵ lẫn nhau, nổi bật nhất là trong vấn đề CHDCND Triều Tiên và Iran, Biển Đông. Bắc Kinh không hài lòng với các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn và việc từ chối trở lại bàn đàm phán của Mỹ và Hàn Quốc.

Trong khi đó, Mỹ cũng tỏ ra lo ngại về sức mạnh kinh tế đi kèm với quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc luôn khẳng định chính sách phát triển trong hòa bình của nước này. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Bắc Kinh vừa qua để hàn gắn mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung bị ngừng trệ trong vòng một năm nhưng hầu như chưa tiến triển gì.

Nhiều nhà phân tích cho rằng mâu thuẫn về lợi ích tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là rào cản đáng kể cho quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai. Còn nhiều vấn đề bất đồng khác như việc Mỹ bán vũ khí cho lãnh thổ Đài Loan, việc chính quyền ông Obama tiếp thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng ly khai Đạtlai Lạtma…

Mặc dù vậy, dư luận khẳng định hai cường quốc vẫn rất cần đến nhau trong chiến lược phát triển và ổn định của mình. Trung Quốc Nhật báo ngày 16-1 đăng kết quả thăm dò của Công ty Horizon cho biết khoảng 90% người Trung Quốc được hỏi cho rằng mối quan hệ với Mỹ là quan trọng; 60% tin rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là biện pháp hữu hiệu giải quyết các vấn đề song phương.

Thế nhưng dường như có quá nhiều vấn đề cần giải quyết trong chuyến thăm quan trọng này. Vì vậy, dư luận cho rằng hai bên chỉ có thể làm dịu bầu không khí căng thẳng trong lĩnh vực thương mại. Dự đoán hai bên sẽ ký hàng loạt thỏa thuận thương mại trị giá nhiều tỷ USD liên quan đến việc hợp đồng xuất khẩu máy bay, linh kiện xe hơi, nông sản của Mỹ sang Trung Quốc, việc phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học… Và Mỹ trong cảnh bị thúc ép về việc mở rộng kim ngạch xuất khẩu để tạo việc làm nên sẽ tỏ ra không khoan nhượng với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế.

Còn những vấn đề bất đồng liên quan đến chính trị và an ninh thế giới có vẻ chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi Trung Quốc trong năm 2010 đã chính thức vượt qua Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế số 2 trên thế giới. Không chỉ vậy Trung Quốc giờ còn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Cùng với sự lớn mạnh về nhiều mặt, vị thế của nước này trên bàn cờ thế giới đã thay đổi. Trong khi Mỹ vẫn giữ vị trí nền kinh tế số 1 thế giới và cách hành xử với các nước vẫn không có nhiều đổi thay. Vì vậy, hy vọng băng sẽ tan trong quan hệ hai nước là một niềm tin dài lâu, chứ không phải ngay ngày mai. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục