Thông tin về bánh chưng luộc bằng pin gây hại sức khỏe người tiêu dùng có ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của làng bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tuy nhiên, với cách làm chuyên nghiệp của người dân Duyên Hà, tết này bánh chưng Tranh Khúc vẫn khẳng định chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường.
Những ngày cận tết, không khí làng bánh chưng Tranh Khúc lúc nào cũng tưng bừng, nhộn nhịp. Từ sáng sớm tinh mơ, những chuyến hàng chở bánh chưng từ làng nghề này nối đuôi nhau tỏa đi khắp nơi. Theo anh Nguyễn Văn Dũng, một trong những người làm bánh lâu năm của làng, cả làng hiện có khoảng 300 hộ làm nghề gói bánh, tăng hơn 10% so với những năm trước. Sản lượng bánh cũng tăng, riêng vào dịp tết năm nay, làng sản xuất hơn 3 vạn chiếc bánh chưng.
Anh Dũng cho biết: “Gần đây, thông tin bánh chưng làm sẵn luộc bằng pin khiến người tiêu dùng e ngại, chúng tôi cũng lo lắm. Trên thị trường lúc nào cũng có hàng chục loại bánh chưng có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, làm thế nào để chứng minh được là bánh của làng mình ngon, sạch để người dân tin dùng? May mà chính quyền đã giúp người dân một hướng đi, đó là đăng ký thương hiệu. Bây giờ bánh chưng Tranh Khúc đã có thương hiệu rõ ràng”.
Được biết, huyện Thanh Trì đã đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng thương hiệu làng nghề như thiết kế logo, mã số, mã vạch, bao bì... Để giữ uy tín cho bánh chưng quê hương, hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Văn Khúc tổ chức giám sát quá trình sản xuất của các hộ gia đình, cung cấp nước sạch, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Hiện bánh chưng Tranh Khúc đã có mặt tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các cửa hàng thực phẩm có tên tuổi và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới phục vụ bà con Việt kiều đón tết.
Cuộc sống đô thị khiến nhiều gia đình nay không còn giữ được nếp gói bánh chưng ngày tết. Chỉ cần trên dưới trăm ngàn đồng người ta có thể mua được 2 cặp bánh về đặt bàn thờ tổ tiên. Nhưng chọn được bánh ngon không phải chuyện dễ. Bác Nguyễn Thị Thanh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, người dân thủ đô thích bánh chưng Tranh Khúc bởi bánh rền, nhân đỗ thịt thơm phức, đậm đà chứ không nát và nhạt nhẽo như nhiều loại bánh khác đang bán trên thị trường.
Theo người dân làng Tranh Khúc, muốn bánh ngon phải chọn nguyên liệu gạo nếp cái hoa vàng của Nam Định, Hải Dương, đậu phải chọn loại “rộng” hạt, lá phải là lá dong nếp rừng và phải dùng nước sạch. Người gói phải chặt tay, đúng quy cách, đúng trọng lượng và nhất thiết phải luộc đủ 10 giờ. Chỉ cần một kỹ thuật không đúng sẽ ảnh hưởng ngay đến sản phẩm.
Điều băn khoăn là hiện làng nghề có 300 hộ sản xuất bánh chưng nhưng mới chỉ có hơn 100 hộ đăng ký thương hiệu làng nghề. Các hộ sản xuất bánh chưng muốn tham gia thương hiệu làng nghề phải tham gia các lớp tập huấn và cam kết sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cơ sở nào vi phạm sẽ bị đình chỉ sản xuất.
Bảo Châu