Bánh mì Hội An ở Nhật

Trò chuyện cùng tôi trong những ngày tháng 8, Bùi Thanh Tâm - chàng trai trẻ với dự án khởi nghiệp mang tên bánh mì Xin Chào, đã hào hứng chia sẻ về kế hoạch mới của mình. 
Cửa hàng bánh mì Xin Chào
Cửa hàng bánh mì Xin Chào
Đó là mở rộng thương hiệu bánh mì Xin Chào với chi nhánh thứ 2 tại Nhật Bản. Nếu mọi việc thuận lợi, trong năm sau, cửa hàng bánh mì tâm huyết của Thanh Tâm và anh trai Bùi Thanh Duy cũng sẽ có mặt ở Việt Nam.
Thanh Tâm chia sẻ, gần một năm sau khi ra mắt trên tuyến phố Waseda Dori ở Tokyo, bánh mì Xin Chào đã có một lượng khách ổn định. Ban đầu, đa số khách đến Xin Chào là người Việt, nhưng giờ cửa hàng đã có thêm các vị khách Nhật, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc. Riêng đối với người Nhật, những ai có hứng thú với văn hóa Việt Nam thì tiếp nhận bánh mì với thái độ rất vui vẻ và hào hứng, còn đối với người mới lần đầu, họ có phần hơi e dè với một món ăn ngoại quốc, nhưng sau khi ăn xong thì họ đều muốn quay trở lại cửa hàng. 
Bắt đầu một dự án khởi nghiệp với chiếc bánh mì mang hương vị của Hội An ở nơi xa xứ quả là không dễ dàng. Để cửa hàng đi vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái, Tâm và Duy đã mất hơn một năm rưỡi chuẩn bị.
Trong luận văn “Xây dựng chuỗi cửa hàng bánh mì sandwich Việt Nam tại Tokyo”, Thanh Tâm đã nêu rõ về lịch sử hình thành bánh mì, nghiên cứu về thị trường bánh mì ở thế giới và thị trường bánh mì tại Nhật. Không chỉ gói gọn trong một cửa hàng bánh mì Xin Chào, chàng trai 9X này còn hướng đến chuỗi bánh mì ngay trên đất Nhật.
Nhận được sự hỗ trợ của anh trai Thanh Duy, cả hai bắt đầu vào nghiên cứu thị trường và từng bước thành lập dự án. Với việc lượng du học sinh và thực tập sinh người Việt Nam tại Tokyo tăng lên nhanh gần như gấp đôi, lại là một nơi đón lượng du khách hàng năm đông nhất Nhật Bản, đồng thời cũng hướng đến mục tiêu quảng bá mạnh mẽ vào Tokyo Olympic 2020 nên hai anh em đã quyết định chọn Tokyo là nơi khởi nghiệp.
Một trong những khó khăn ban đầu là nguồn vốn. Tâm lúc đó vẫn còn là sinh viên, Duy mới đi làm chưa tích góp được nhiều. Hai anh em đã chọn cách kêu gọi đầu tư và cuối cùng có hai anh chị người Việt Nam sinh sống ở Nhật lâu năm chấp nhận đầu tư vào cửa hàng sau khi xem bản kế hoạch cụ thể.
Bánh mì Xin Chào được đặt riêng tại công ty chuyên làm bánh mì của Nhật Bản theo vị Việt Nam, chả làm nhân bánh đặt tại công ty của người Việt Nam ở Tokyo, chuyên cung cấp giò chả cho các quán ăn Việt trên khắp nước Nhật. Còn nước sốt, pate, bơ, thịt nguội, xá xíu, thịt gà nướng, heo nướng... đều do hai bạn trẻ tự tay chế biến. Để cạnh tranh với các cửa hàng khác, hai chàng trai xứ Quảng đã quyết định làm hương vị bánh mì theo phong cách Hội An, nơi có các tiệm bánh mì ngon nức tiếng.
Bánh mì Xin Chào có 6 món chính, bao gồm: bánh mì chả, bánh mì thịt heo nướng, bánh mì thịt gà nướng, bánh mì thịt muối, bánh mì chả bò và bánh mì đặc biệt. Để thực đơn cửa hàng thêm phong phú, Tâm và Duy đã đưa thêm món bánh tráng trộn và món chè thập cẩm phục vụ các bạn trẻ Việt Nam nhớ món ăn vặt ở quê nhà. 
Mỗi ngày, cửa hàng bán được khoảng 200 chiếc bánh mì các loại. Lợi nhuận hàng tháng sau khi trừ các chi phí còn khoảng 100 triệu đồng Việt Nam. Với số tiền lãi này, dự án khởi nghiệp bánh mì Xin Chào đã được xem là một hướng đi thành công.
Câu chuyện của hai bạn trẻ Thanh Tâm và Thanh Duy đã tạo thêm nguồn cảm hứng cho những du học sinh Việt vượt khó khởi nghiệp ở nơi xa xứ. 

Tin cùng chuyên mục