(SGGP).– Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Vấn đề trên, cùng với báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng và một số báo cáo khác về tư pháp sẽ được Quốc hội kết hợp cho ý kiến tại các phiên thảo luận tại hội trường trong tuần này.
Theo đó, năm 2010, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng về số vụ việc, số lượt công dân và số đoàn đông người… Phần lớn nội dung khiếu nại vẫn thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm 69,9% tổng số vụ. Qua giải quyết khiếu nại tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 48.187 triệu đồng, 63,35ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 50.982 triệu đồng; 123ha đất; minh oan cho 251 người; trả lại quyền lợi cho 1.524 người... Đến tháng 8-2010 cả nước có 152 vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhưng còn khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 71 vụ việc cần chấm dứt xem xét, 81 vụ việc đang thực hiện do trong quá trình triển khai có vướng mắc, cần kiểm tra xem xét lại.
Bản báo cáo đánh giá, việc triển khai thực hiện các biện pháp giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài tiến độ còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu. Nhiều địa phương chưa tập trung cao, thiếu biện pháp quyết liệt để giải quyết nên còn nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài chưa được giải quyết như ở Tuyên Quang, Thái Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa…
Nguyên nhân là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích chính đáng của dân, gây mâu thuẫn, bất bình trong dân, từ đó làm cho dân mất lòng tin vào chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở, cấp huyện, thị. Một số nơi vì bảo thủ, không lắng nghe dân, nên quyết định giải quyết chưa thấu lý, đạt tình, công dân không đồng tình.
Đáng lưu ý, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ tới 94,08%, chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, thiếu trách nhiệm, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội…
B.Vân