Báo chí là một trong những môi trường nuôi dưỡng văn nghệ sĩ giúp văn nghệ sĩ có điều kiện bám sát cuộc sống và sáng tác. Và chính văn nghệ sĩ làm tăng sức sống cho báo chí bằng sáng tác chân chính.
Điều dễ thấy là số lượng văn nghệ sĩ làm việc tại các cơ quan thông tấn báo chí rất hùng hậu. TPHCM là trung tâm báo chí lớn nhất nước và là nơi tập trung lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo nhất.
Chỉ tính từ sau giải phóng 1975 đến nay, chúng ta có thể kể Lê Văn Thảo, Nguyễn Duy, Chim Trắng, Nguyễn Chí Hiếu, Nguyễn Trung, Hoài Anh, Thế Nguyên, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Nhật Thu… (Báo Văn Nghệ); Trần Kiết Tường, Phan Nhân, Trần Nam Dân, Đằng Giao, Trần Quang Huy, Tăng Minh Thành, Lê Vũ Phú, Hoàng Mãnh, Trần Thị Tuyết, Phạm Lý, Lê Xuân Đố, Đỗ Nam Cao, Triệu Xuân, Ngọc Điệp, Trí Thanh, Trần Hữu Bích, Nguyễn Nam, Trần Xuân Tiến… (Đài Phát thanh và Đài Truyền hình TPHCM); Nguyễn Đông Thức, Lê Văn Nghĩa, họa sĩ Nhốp... (Báo Tuổi Trẻ); Đỗ Trung Quân (Báo Sài Gòn Tiếp Thị), Nguyễn Thái Dương (Báo Mực Tím); Lê Minh Quốc (Báo Phụ Nữ TPHCM), Vũ Hoàng (Tạp chí Du lịch); Trương Quốc Khánh, Ngọc Linh, Hà Huy Hà (Báo Sân Khấu)…
Và rất nhiều người khác nữa. Các cơ quan thông tấn báo chí sở hữu hầu hết văn nghệ sĩ trẻ thuộc các lĩnh vực văn - thơ - nhạc - họa.
Trong các cơ quan thông tấn báo chí ấy, ngoài đài phát thanh, đài truyền hình, Báo SGGP là nơi có nhiều văn nghệ sĩ làm việc và trưởng thành. Chọn Báo SGGP làm việc đã cho thấy niềm tin của văn nghệ sĩ và cũng là niềm tin của công chúng đối với tờ báo Đảng. Chính Báo SGGP đã góp phần định hình họ. Ấy là những văn nghệ sĩ có tài năng, có tâm huyết.
Chúng ta có thể nhắc đến những văn nghệ sĩ như nhà văn Vũ Tuất Việt, Khả Minh, Xuân Thu, Chu Thao, Hoài Vũ, Cung Văn, Dương Trọng Dật, Trần Thế Tuyển, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh, Vũ Ân Thy, Cao Vũ Huy Miên, Ngô Ngọc Ngũ Long, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đặng, Đồng Đức Thành, nhạc sĩ Trương Quang Lục, Xuân Nghĩa… Bên cạnh đó có những tên tuổi mà bài viết của họ giàu chất văn chương như Hoàng Minh Phương, Hải Nam, Trần Quang Thịnh, Võ Hàn Lam, Lê Tiền Tuyến, Đức Quang, Đào Tuấn Anh…
Nói như thế, chúng ta muốn nhắc tới một yêu cầu mà báo chí cần đạt tới, ấy là đề cao tính văn hóa báo chí cùng với tính hiện đại và chuyên nghiệp. Đề cao tính văn hóa trong thông tấn báo chí cũng là để cho sáng tác của văn nghệ sĩ giàu tính nhân văn, hay hơn, sâu hơn, lay động lòng người…
Không phải ai trong số đó cũng do Báo SGGP đào tạo nên, nhưng rõ ràng tất cả văn nghệ sĩ này đều nổi tiếng hơn, thành danh hơn khi làm việc tại Báo SGGP. Báo SGGP là điểm tựa, là bệ phóng để các văn nghệ sĩ này tiếp tục thăng hoa. Những bài viết của Vũ Tuất Việt, Khả Minh, Dương Trọng Dật… chẳng phải đã làm nên một thể loại “tạp văn” kiểu Lỗ Tấn; Cung Văn chẳng đã tạo nên một “Bút Sài Gòn”; Nguyễn Nhật Ánh, Trần Văn Tuấn chẳng đã làm nên những “trang văn”và “trang thiếu nhi”… bên cạnh những sáng tác truyện, thơ, nhạc… tạo cho bộ mặt văn hóa trên báo Đảng sinh động hơn, hấp dẫn hơn và nhân văn hơn.
Kể cũng cần nói thêm, chính Báo SGGP với uy tín và vị thế của mình là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, đã tuyển chọn, tập hợp, giới thiệu các sáng tác thuộc đủ thể loại của các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước trong nhiều thập niên qua…
VŨ ÂN THY