(SGGPO).- Tối 21-6, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6 -1925 – 21-6-2010), đón nhận Huân chương Sao Vàng và lễ trao Giải thưởng báo chí quốc gia lần thứ 4 (2009).
Đến dự có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành, nhiều nhà báo lão thành, đại diện các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa đến chúc mừng buổi lễ và đội ngũ những người làm báo Việt Nam.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp trao tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng những người làm báo Việt Nam, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, đất nước, dân tộc.
Để làm tốt chức năng cao quý của mình, góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, nhất là việc chuẩn bị ĐH Đảng các cấp tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị báo chí thời gian tới cần chú trọng vào 4 vấn đề sau:
1- Tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, mở rộng quan hệ đối ngoại, hoàn thành các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm;
2- Phản ánh sinh động những vấn đề thực tiễn cuộc sống, phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến; đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội;
3- Đấu tranh chống những quan điểm sai trái, làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình, âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch;
4- Góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã quyết định trao giải cho 130 tác phẩm, gồm: 1 giải A; 19 giải B; 54 giải C và 56 giải khuyến khích. Giải A duy nhất của Giải thưởng báo chí quốc gia lần thứ 4 thuộc về nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoàng Anh, Dương Thế Hiển của Đài PT-TH tỉnh Đồng Nai với tác phẩm báo hình “Trạm cân Dầu Giây - Lợi bất cập hại”.
Năm nay, Báo Sài Gòn Giải phóng đoạt 3 Giải thưởng báo chí quốc gia. Cụ thể: loạt bài “Học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu” của nhà báo Việt Trung và các tác giả Báo SGGP đoạt giải B cho thể loại xã luận, bình luận chuyên luận dành cho báo in (không có giải A); tác phẩm “Đại học ngoài công lập đang bị thả nổi?” của 2 tác giả Lê Thị Linh An và Võ Thanh Hùng đoạt giải C thuộc thể loại giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký; loạt bài “Trở lại Trường Sơn huyền thoại” của nhóm tác giả Nguyễn Đức Quang, Phạm Hoài Nam và Dương Trần Minh Anh đoạt giải khuyến khích.
* Tối 21-6, Hội Nhà báo TPHCM đã tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao giải báo chí lần thứ 28. Đến dự có các đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBNDTP; Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy.
Giải báo chí Hội Nhà báo TPHCM năm nay có 55 giải thưởng được trao cho các tác giả và nhóm tác giả với 5 nhóm thể loại. Trong đó Báo SGGP đã đoạt tổng cộng 8 giải gồm: 1 giải nhất, 1 giải A, 2 giải nhì, 4 giải ba.
Cụ thể, ở nhóm 3 (phim tài liệu - điều tra - phóng sự - ký báo chí), Báo SGGP đoạt giải nhất với loạt bài “Đào tạo tiến sĩ - “chất” và “lượng”” của tác giả Linh An - Tiến Đạt và giải ba với loạt bài “Bệnh viện Nhi đồng 2 - Xây mới hay “xẻ thịt”?” của tác giả Tường Lâm. Ở nhóm 5 (trang chuyên đề - chương trình phát thanh, truyền hình), loạt bài “Đảng với dân: Từ lý luận đến thực tiễn” của Ban Chính trị - Xây dựng Đảng đoạt giải A. Tại nhóm 2 (Bình luận - xã luận - chuyên luận), Báo SGGP đoạt 1 giải nhì (tác phẩm “Tỉnh táo trước H1N1” của tác giả Đào Tuấn Anh) và 1 giải ba (tác phẩm “Ai là thượng đế” - tác giả Chiến Dũng). Ở nhóm 4 (phỏng vấn - tường thuật - ghi nhanh), Báo SGGP đoạt 1 giải nhì loạt bài “Ngày mới ở Trường Sa” của tác giả Minh Tú. 2 tác phẩm “Chuyện lạ khó tin: Trường tiểu học có hơn… 100 lớp” của tác giả Lê Linh và loạt bài “Hơn 700 tỷ đồng xây hồ sinh học: Cải tạo kênh Ba Bò” của tác giả Ái Vân cùng đoạt giải ba.
* Cùng ngày, Cục Chính trị Quân khu 7 đã kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao giải cho 16 tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết về Những tấm gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Dịp này, Ban Chính trị - Xây dựng Đảng Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng 2 tập thể và 13 cá nhân có thành tích trong công tác báo chí LLVT quân khu năm 2009-2010 được Cục Chính trị Quân khu 7 trao bằng khen.
* Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 21-6, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã tới chúc mừng và tặng hoa cho tập thể cán bộ, phóng viên báo SGGP làm việc tại VPĐD Hà Nội (ảnh). Đón Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo có đồng chí Trần Thế Tuyển, Tổng biên tập và đông đảo anh chị em VPĐD báo SGGP tại Hà Nội.
“Báo SGGP có tác động xã hội rất quan trọng và có sức lan tỏa ngày càng lớn trên địa bàn Thủ đô”, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ghi nhận như vậy và kêu gọi báo SGGP hãy tăng cường hợp tác toàn diện và chặt chẽ hơn nữa với báo Hà Nội Mới - cơ quan của Thành ủy TP Hà Nội - kể cả trong xây dựng thể chế, chủ trương cũng như trong đưa tin, viết bài và thực hiện các hoạt động xã hội...
Tổng biên tập Trần Thế Tuyển đã cảm ơn những đánh giá khách quan và sự động viên của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng như những hỗ trợ to lớn mà Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội đã dành cho báo SGGP - điều đã giúp cho báo SGGP đứng chân được và ngày càng phát triển trên địa bàn Thủ đô.
Tổng biên tập Trần Thể Tuyển khẳng định, giữa báo SGGP và báo Hà Nội mới có quan hệ gắn bó đặc biệt, và 2 tờ báo Đảng của hai TP lớn ở hai đầu đất nước sẽ thắt chặt hợp tác hơn nữa để cùng báo chí cả nước làm tốt công tác thông tin tuyên truyền của Đảng trên mọi lĩnh vực, trong đó có đợt cao điểm tuyên truyền cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội.
* Chiều 21-6, đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng dẫn đầu đã đến thăm, chúc mừng cán bộ, phóng viên Báo SGGP tại Văn phòng đại diện Đà Lạt nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Lời cảm ơn Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo bộ ngành Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TPHCM và các sở ban ngành, đoàn thể, các đơn vị quân đội, công an, các công ty, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học… tại TPHCM và các tỉnh thành Hà Nội, Đà Nẵng, Cà Mau, Long An, bạn bè đồng nghiệp và đông đảo bạn đọc gần xa… đã đến tặng hoa và quà chúc mừng Báo Sài Gòn Giải Phóng nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2010). Ở tuổi 35, trong mọi khó khăn, thử thách, Báo Sài Gòn Giải Phóng vẫn giữ vững niềm tin với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trở thành một trong những tờ báo đi đầu trong cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, như là một công cụ tuyên truyền hữu hiệu nhất đưa các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước vào cuộc sống. Đội ngũ những người làm báo Sài Gòn Giải Phóng xin gửi lời tri ân đến độc giả đã đồng hành cùng báo thời gian qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực khẳng định mình, giữ vững niềm tin và định hướng phát triển ở mức cao cả về chất lượng thông tin và bản lĩnh chính trị; đồng thời mở rộng, phát triển mạng lưới thông tin và phát hành báo đến khắp các địa phương trong cả nước |
Nhóm PV
Thông tin liên quan:
Báo chí coi trọng tính chuyên nghiệp và hiện đại