Bảo đảm bình đẳng khi đầu tư vào đường sắt

Chiều 12-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). (ảnh)
Bảo đảm bình đẳng khi đầu tư vào đường sắt

(SGGPO).- Chiều 12-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). (ảnh)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban thấy rằng “Sự cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ”.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào Dự thảo Luật những nội dung đã được quy định trong các văn bản dưới luật, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Trong số các vấn đề cụ thể, Ủy ban KHCNMT đề nghị bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp chế tạo, lắp ráp phương tiện giao thông đường sắt; nghiên cứu, bổ sung một số ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động đường sắt như quy hoạch, cấp riêng dải tần vô tuyến điện, quỹ số thoại phục vụ điều hành chạy tàu; nhất là trong trường hợp phục vụ phòng chống lụt bão, khắc phục sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ...

“Dự thảo Luật cần phải thể hiện rõ nội dung về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt, đồng thời bổ sung việc xây dựng nhà ga đường sắt, đặc biệt là các ga trung chuyển để thực sự trở thành đầu mối vận tải đa phương thức trong vận tải hàng hóa và hành khách”, người đứng đầu Ủy ban KHCNMT nhấn mạnh.

Về kinh doanh đường sắt, cơ quan thẩm tra cho rằng hiện nay, nhiệm vụ QLNN về đường sắt chưa được tách bạch giữa cơ quan QLNN và doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt. Điều này dẫn đến việc chưa tạo lập được môi trường cạnh tranh thực sự lành mạnh, hạn chế kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, chưa đảm bảo nguyên tắc chống phân biệt đối xử và nguyên tắc cạnh tranh trong đầu tư, kinh doanh đường sắt theo quy định của nhiều luật liên quan mới được ban hành. Vì vậy cần bổ sung quy định các điều kiện cơ bản có tính nguyên tắc để đảm bảo các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng trong kinh doanh đường sắt, còn trình tự, thủ tục tham gia kinh doanh đường sắt thì giao Chính phủ quy định chi tiết.

Do đó, Ủy ban KHCNMT cơ bản tán thành với các quy định của Dự thảo Luật về việc cần tách bạch rõ hơn giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; khuyến khích sự tham gia đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; bảo đảm có các chế tài kinh doanh đường sắt phù hợp với quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Về vấn đề đất dành cho đường sắt, cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất với quy định về việc giao cơ quan QLNN quản lý đất dành cho đường sắt; song dự thảo Luật cần thể hiện rõ, cụ thể hơn chủ thể chịu trách nhiệm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thì đồng thời quản lý đất dành cho đường sắt do Nhà nước đầu tư để đảm bảo tính thống nhất, ổn định trong thực thi Luật và phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và hệ thống pháp luật hiện hành.

Riêng đối với đất thuộc phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt, đề nghị Dự thảo Luật giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy hoạch và quy định của pháp luật về đất đai để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. 


ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục