(SGGPO). – Sáng nay, 30-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng đã chủ trì hội nghị của Chính phủ họp với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước năm 2011.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày. Trên cơ sở phân tích sâu sắc những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm của năm 2010, Chính phủ sẽ cùng các địa phương thống nhất các giải pháp triển khai cho năm 2011, tạo đà thắng lợi mới cho 5 năm kế tiếp.
Sáng nay, các địa phương đã nghe Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo kiểm điểm công tác điều hành năm 2010 của Chính phủ; nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc báo cáo tình hình việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2010.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc, nhờ thực hiện 8 nhóm giải pháp đồng bộ, năm 2010, Việt Nam đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh, nhất là về cuối năm. Cụ thể, GDP Quý I tăng 5,84%, Quý II 6,44%, Quý III 7,18% và Quý IV ước tăng 7,34%. Tính chung cả năm, GDP cả nước đạt 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%). Mức GDP đạt được cũng cao hơn mức mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm vừa qua (6,7%). Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009, vượt xa kế hoạch của Quốc hội đề ra là 60 tỷ USD (tăng trên 6%) cũng như mức đỉnh 62,7 tỷ USD năm 2008. Nhập siêu hàng hóa khoảng 12,4 tỷ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức 20% của kế hoạch và thấp hơn nhiều so với mức 22,5% của năm trước.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,6 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2009 nhưng vốn giải ngân thực tế lại đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Các chỉ tiêu về an sinh xã hội, lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, đạt nhiều thành tựu quan trọng...
Riêng về vấn đề lạm phát, ông Phúc cho rằng, các giải pháp đưa ra đã góp phần kiềm chế lạm phát trong điều kiện giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước. Từ tháng 3 đến tháng 8, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã giảm đáng kể so với 2 tháng đầu năm.
“Trong các tháng cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng tăng lên, cùng với xu hướng tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên-nhiên-vật liệu trên thế giới, giá vàng và tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh, CPI đã tăng ở mức cao. Tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng việc thực hiện các giải pháp đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc bình ổn giá cả, thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất sự tăng giá và các yếu tố tác động đến giá cả, lạm phát”, ông Phúc nói.
Phân tích những tồn tại, hạn chế của năm 2010, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư thẳng thắn: năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện nhiều. Khu vực Doanh nghiệp nhà nước giữ một phần lớn vốn, tài sản, đất đai, tài nguyên quốc gia nhưng hiệu quả đầu tư và tăng trưởng chưa tương xứng. Các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, điều tiết qua thuế còn cao, thất thu còn nhiều, chi ngân sách còn lãng phí, bội chi còn lớn, nhập siêu còn cao, lãi suất cho vay ở mức cao, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2010 tăng 9,19% so với năm 2009. Bên cạnh đó, chất lượng phát triển đô thị còn hạn chế, chưa đồng bộ. Đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo còn khó khăn… Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước, điều hành và tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng, có lúc còn chủ quan...
Năm 2011, Bộ Kế hoạch – Đầu tư sẽ tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ đã đề ra. Trong đó tập trung vào thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh sản suất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp tết và quý 1-2011.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, hiện nay, đã có 37 tỉnh thành thực hiện tạm ứng kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp hàng hóa, phục vụ tết với kinh phí gần 2.500 tỷ đồng. “Chính phủ đề nghị các địa phương còn lại học tập kinh nghiệm để triển khai, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa, không gây sốt giá cục bộ", ông Ninh nói.
Năm 2010 vừa qua, tuy đã rất cố gắng nhưng công tác điều hành giá cả, thị trường vẫn còn nhiều bất cập. Cung cầu hàng hóa ở một số thời điểm vẫn gây mất cân bằng cục bộ, gây sốt giá. Giá thuốc khám bệnh, sữa vẫn còn độc quyền. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã giữ giá điện, xăng dầu quá lâu, nên nếu tới đây thực hiện điều chỉnh không khéo sẽ gây tác động xấu đến thị trường. Trong khi đó, năm 2011, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm thế giới đều được sự báo sẽ tăng cao. Dù thế chính phủ vẫn phải thực hiện theo lộ trình giá thị trường với một số hàng hóa trọng yếu, đây là điều đang gây lo ngại, đòi hỏi phải điều hành hết sức linh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, năm 2011, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, bảo đảm không để thiếu hàng; công tác phân phối hàng hóa phải tốt hơn; điều hành chính sách tiền tệ cũng phải linh động hơn, sử dụng các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá phù hợp để bảo đảm bình ổn giá. “Hiện nhiều địa phương vẫn thu nhiều loại phí mà Nhà nước đã bãi bỏ”, ông Ninh cảnh báo.
Ông Ninh cũng khẳng định, năm 2011, sẽ điều tiết giá cả theo hướng thị trường trên cơ sở tôn trọng việc định giá của các tổ chức, cá nhân theo luật. “Chính phủ sẽ chủ động lộ trình điều chỉnh giá theo thị trường đối với điện, than, nước sạch... một cách phù hợp”, Bộ trưởng Ninh nói. Nhiều biện pháp giảm chi cũng được đề ra, trong đó có việc không mua xe công nhập khẩu.
Chiều nay, hội nghị tiếp tục với phần phát biểu của các địa phương.
Lâm Nguyên