
Gần đây, các nhà làm luật nước ta đã quan tâm bàn luận vấn đề luật hóa “quyền im lặng”, nói cách khác, đang có xu hướng cho cá nhân có quyền được im lặng khi tham gia vào các hoạt động tố tụng (với những điều kiện nào đó nhất định, chẳng hạn khi chờ luật sư đến, im lặng với các câu hỏi không liên quan đến trách nhiệm của người đó…). Bạn đọc Báo SGGP đã nêu thêm ý kiến phân tích về vấn đề này.
Cách hiệu quả để ngăn bức cung, nhục hình
Thời gian qua, đã xảy ra những vụ nghi phạm bị bắt tạm giam và được dẫn giải về trụ sở cơ quan công an điều tra, sau đó chết bất thường tại cơ quan điều tra hoặc sau khi được thả về và chết tại gia đình mà nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là do bị đánh đập hoặc bị bức cung, nhục hình trong quá trình tạm giữ tại cơ quan công an để điều tra. Luật pháp đã nghiêm cấm và xử lý nghiêm đối với những người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động điều tra, sử dụng bức cung nhục hình đối với nghi phạm.

Quyền được nói thực sự quan trọng nhưng trên thực tế các bị cáo cũng chưa hiểu đúng và đầy đủ quyền này. Ảnh: THANH HẢI
Để không còn tái diễn những vụ việc tương tự, phải xử lý những điều tra viên bức cung, nhục hình gây ra cái chết đối với nạn nhân là hành vi phạm tội do sử dụng bức cung, nhục hình trong quá trình thụ lý điều tra vụ án. Tại tất cả các buổi làm việc, hỏi cung của điều tra viên đối với nghi phạm cần thiết phải gắn camera quan sát để giám sát theo dõi hoạt động điều tra hỏi cung của các điều tra viên đang làm nhiệm vụ. Cách hiệu quả nhất để đảm bảo quyền của các bị can, bị cáo là cần mạnh dạn sửa đổi, bổ sung vào những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về “quyền im lặng” như ý kiến đề xuất của nhiều nhà làm luật. Đó cũng là cách tốt nhất để bảo đảm sự minh bạch và công tâm của những người thừa hành công vụ và các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật.
NGUYỄN ĐƯỢC (quận 5, TPHCM)
Lắng nghe, tiếp nhận và xử lý minh bạch
Nếu luật về quyền im lặng trong tố tụng được thông qua, người bị tạm giữ hay bị can được quyền im lặng trong khi chờ luật sư, để việc hỏi cung đảm bảo đúng pháp luật. Quy định này sẽ thực sự là bước tiến quan trọng để đảm bảo quyền con người. Quyền im lặng không ảnh hưởng gì đến hoạt động tư pháp của các cá nhân và cơ quan tiến hành tố tụng, trái lại còn hỗ trợ cho họ và nhất là người bị xét hỏi về nhiều mặt. Đó là để các hoạt động tố tụng được diễn ra đúng pháp luật, có thể tìm ra đúng bản chất sự việc, có thể hạn chế các sai sót về mặt trình tự, thủ tục và cách hành xử. Nhờ vậy, sẽ hạn chế các oan sai và điều này có lợi cho cả người bị oan sai và cá nhân cùng cơ quan gây ra oan sai, dù vô tình hay cố ý.
Trong tố tụng có một quy định tối quan trọng là bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh mình vô tội, càng không có trách nhiệm chứng minh mình có tội, việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng; nếu bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh thì họ đâu cần thiết phải nói, và như vậy khi cơ quan tiến hành tố tụng bắt họ nói, đã vi phạm. Nhất là khi có quy định buộc cán bộ công chức chỉ làm những gì luật pháp cho phép. Hoàn toàn đâu phải khi bị can, bị cáo không chứng minh được mình vô tội thì mặc nhiên mình có tội, cũng đâu phải khi chưa có luật về quyền im lặng thì bị can, bị cáo mặc nhiên phải nói.
Quyền nói, trước hết là quyền của cá nhân được nói đúng sự thật, đúng bản chất vốn có của sự việc; sự thật hay bản chất đó có phù hợp với các chứng cứ khác hoặc có phù hợp với thực tế hay không. Để kết luận rằng người đó có tội hay không, phải do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Đó là quyền được nói đúng lợi ích của mình; còn lợi ích đó hợp pháp hay không, có phù hợp với lợi ích của người khác hay không là do cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh. Như vậy, quyền được nói sẽ tránh việc bị áp đặt lời khai (do mớm chung, bức cung, kể cả cung cấp lời khai giả); vì vậy, quyền này nên là một quyền bất khả xâm phạm, kể cả khi bị cáo đã có bản án của tòa án thì vẫn có quyền nói.
Quyền được nói thực sự quan trọng nhưng thực tế bản thân bị can, bị cáo, thậm chí là người đã bị kết án bằng bản án có hiệu lực chưa hiểu đúng và đầy đủ quyền này, còn cá nhân tiến hành tố tụng thì trong nhiều trường hợp cũng không thực sự tôn trọng quyền này của cá nhân. Qua một số vụ việc oan sai có thể thấy người ta kêu oan nhưng không ai nghe, hoặc có người nghe nhưng không ai xử lý, thành ra có người nản chí đành phải thụ án oan, có người vì phẫn uất mà tự tử, đó là chưa kể những trường hợp có tội nhưng không đến mức như bản án, vì nói không ai nghe nên cuối cùng phải thụ án mà không có cơ hội được giải oan phần sai đó. Chẳng hạn, một bị cáo nói mình vô tội nhưng không chứng minh được mình vô tội, các chứng cứ chứng minh bị cáo có tội lại thiếu và yếu, nhưng vì lời nói của bị cáo ít được xem xét đúng mức nên vẫn cứ kết án bị cáo có tội, rồi xử đi xử lại nhiều lần.
Từ quyền được nói, cần thiết phải hoàn chỉnh hơn các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan tiến hành tố tụng trong việc lắng nghe, tiếp nhận và xử lý một cách minh bạch tiếng nói của các cá nhân phải tham gia tố tụng. Tóm lại, trong khi chờ ban hành luật về quyền im lặng, cần thiết phải thực hiện đúng quyền được nói, và các cá nhân tiến hành tố tụng phải thực sự tôn trọng quyền được nói của cá nhân phải tham gia tố tụng. Đây là hai trong số các quyền cơ bản của con người nên phải được tôn trọng và luật hóa.
TRỊNH MINH GIANG
(Thủ Đức, TPHCM)