Tính từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công tổng cộng hơn 1.200 ca ghép thận cho những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, con số đó chỉ là “muối bỏ bể” so với nhu cầu hiện nay. Ước tính, theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng gần 15.000 trường hợp suy thận cần được ghép. Tuy nhiên, nguồn thận ở đâu? Do vậy, điều cần làm trên hết là chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Đua nhau mở khoa chạy thận nhân tạo
Là một trong những bệnh viện (BV) “sinh sau” nhưng trong hai năm qua, BV Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TPHCM) đã lấy chạy thận nhân tạo làm… chiến lược. Ngay mặt tiền BV, lãnh đạo đơn vị này đã cho treo băng rôn quảng bá rằng là đơn vị chạy thận nhân tạo uy tín. Hiện BV này có hàng chục máy chạy thận nhân tạo…
Cách đây chưa lâu, BV Quốc tế Phúc An Khang (quận 2, TPHCM) cũng đã đưa vào hoạt động đơn vị chạy thận nhân tạo hiện đại với hơn 10 máy chạy hết công suất. Đáng quan tâm hơn là ngày 12-8 vừa qua, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Lọc máu kỹ thuật cao công nghệ Nhật Bản. Trung tâm có quy mô 20 máy lọc máu với công suất phục vụ 50 - 60 bệnh nhân/ngày. Với công nghệ tiên tiến, trung tâm đem lại những hiệu quả cao nhất trong liệu trình lọc máu, giúp đạt hiệu quả điều trị cao, nhất là trong chạy thận nhân tạo.
Chăm sóc bệnh nhân chạy thận tại một bệnh viện ở TPHCM
Trước đó, năm 2010, BV Nguyễn Tri Phương cũng đã thành lập đơn vị lọc máu với quy mô 2 máy chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, do nhu cầu bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngày càng đông nên đến năm 2015, đơn vị được nâng cấp thành Khoa Lọc máu với gần 30 máy chạy thận nhân tạo. Thời gian qua, khoa phục vụ hơn 150 bệnh nhân/ngày, vượt quá khả năng thu nhận thêm bệnh nhân, dù các máy hoạt động hết công suất. “BV cũng liên tục mở các lớp đào tạo về thận học - lọc máu cho bác sĩ, điều dưỡng của các đơn vị trong và ngoài thành phố”, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho biết.
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, dù mới triển khai khoa chạy thận nhân tạo được 2 năm nay với 15 máy nhưng đã quá tải, có khi phải chạy 3 ca/ngày mới giải quyết hết bệnh nhân.
Tại BV Quốc tế Phúc An Khang, lượng bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo cũng tăng dần. Thậm chí, cả bệnh nhân Việt kiều cũng tìm đến để điều trị. Th.S Mai Tiến Dũng, Giám đốc BV, cho biết đơn vị chạy thận nhân tạo cũng bắt đầu… ca 3. Để thuận tiện cho người bệnh, BV còn đảm nhiệm đưa - đón bệnh nhân tận nhà nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.
Trong khi đó, với thâm niên hình thành nhiều năm qua, đơn vị thận nhân tạo của BV Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định hay BV Chợ Rẫy đã quá tải nghiêm trọng và đã gia tăng số lượng máy từ vài chục máy của những năm 2000 lên con số hàng ngàn máy.
Bệnh nhân trẻ hóa
Nhà báo Hữu Bằng (Báo Long An) vừa được ghép thận là một ví dụ. Đang độ tuổi 30 nhưng mỗi ngày sức khỏe càng sa sút và sau một lần khám sức khỏe, nhà báo Hữu Bằng được chẩn đoán suy thận mạn và được đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy đầu tháng 3-2016, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị tại BV cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ Khoa Tiết niệu của BV Chợ Rẫy, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện trong khoa chạy thận nhân tạo và các cơ sở liên quan khác của BV phục vụ cho hơn 10.000 bệnh nhân bị suy thận nặng, giai đoạn cuối.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng các trường hợp phổ biến là mắc bệnh lý về viêm cầu thận. Hiện ngoài số bệnh nhân thường trú tại TPHCM, các BV Bình Dân, Nhân dân 115, Chợ Rẫy còn tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác.
Tại BV Nhân dân Gia Định, khoa Thận - tiết niệu luôn đầy ắp bệnh nhân liên quan đến suy thận, trong đó đa số bệnh nhân bị bệnh cầu thận kèm theo các bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Hội Niệu - thận học TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận và nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời, có thể bị suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý về cầu thận vẫn là những nguy cơ chính.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, suy thận được chia làm 4 giai đoạn và khi chuyển sang giai đoạn cuối (chức năng lọc và thải chất độc của thận không còn hoạt động) thì chỉ còn cách áp dụng các biện pháp thay thế hỗ trợ tích cực khác, chủ yếu chạy thận nhân tạo. Đây được xem là biện pháp tích cực và áp dụng phổ biến hiện nay. Bên cạnh chạy thận nhân tạo, hiện một số BV cũng đã áp dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc (mổ ổ bụng và đặt ống dẫn giữa lá tạng và lá thành của màng bụng để đưa dịch vào trao đổi điện giải, lọc bỏ chất độc) trong điều trị suy thận mạn…
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế nhìn nhận công tác dự phòng có vai trò quan trọng để giảm tỷ lệ người mắc suy thận mạn cũng như kéo dài sự sống khi mắc phải. Trước hết, cần xác định các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ như có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường (tuýp 1 hoặc tuýp 2), cao huyết áp, viêm bể thận.
Ngoài ra, bệnh thận đa nang (nhiều u nang trong thận); rối loạn tự miễn như hệ thống lupus đỏ; xơ cứng động mạch; tắc nghẽn đường tiết niệu hay sử dụng quá nhiều thuốc được chuyển hóa qua thận… cũng dẫn đến suy thận mạn. Các chuyên gia thận - niệu khuyến cáo một số dấu hiệu của suy thận mạn là: Tăng tiểu tiện (đặc biệt vào ban đêm); giảm đi tiểu; xuất hiện máu trong nước tiểu (hiếm gặp); nước tiểu đục hoặc màu trà…
TƯỜNG LÂM