Báo động cầu treo ở Điện Biên

Đâu chỉ có Sam Lang, hay Chu Va
Báo động cầu treo ở Điện Biên

Do địa hình hiểm trở, việc đi lại qua sông, suối của người dân tỉnh Điện Biên chủ yếu là bằng cầu treo. Tuy nhiên, thực tế rất đáng báo động khi hiện nay hầu hết các cây cầu treo, cầu tạm ở đây đều xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Những cây cầu tạm như thế này ở Điện Biên vào mùa mưa lũ sẽ bị cuốn trôi.

Những cây cầu tạm như thế này ở Điện Biên vào mùa mưa lũ sẽ bị cuốn trôi.

Đâu chỉ có Sam Lang, hay Chu Va

Sự việc lật cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu làm hàng chục người thương vong và những hình ảnh giáo viên và học sinh ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) phải vượt suối bằng cách chui vào túi ni lông vừa qua đã khiến dư luận và các cơ quan chức năng không khỏi bức xúc. Bơi, lội qua sông suối, hay hàng ngày phải qua lại trên những cây cầu treo hư hỏng xuống cấp, lung lay như làm xiếc đang là chuyện phổ biến và quá bình thường ở nhiều bản, xã của Điện Biên. Theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, ngay lòng chảo Mường Thanh giữa thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) có 6 cầu treo thì có tới 3 cầu hư hỏng nặng cần làm mới hoặc sửa chữa ngay gồm: cầu treo Na Púng (phường Thanh Trường), cầu treo vào UBND xã Thanh Minh và cầu treo Phiêng Lơi (xã Thanh Minh). Trong số này, cầu treo vào UBND xã Thanh Minh đã hỏng hoàn toàn buộc cơ quan chức năng phải tháo dỡ mặt cầu để không cho người và phương tiện qua lại. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân ở xã Thanh Minh cho biết: Cầu treo Phiêng Lơi đã hư hỏng vài năm, người dân có phản ánh với chính quyền địa phương nhưng cũng chỉ được sửa chữa qua loa vì đâu có tiền. Vì thế, mỗi khi có việc phải qua lại cây cầu này là mỗi lần đánh đu với tử thần.

Nghiêm trọng hơn, tại các huyện vùng sâu, vùng xa, tình trạng các cây cầu treo dân sinh bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng còn bi đát hơn. Huyện Điện Biên Đông có 19 cầu treo thì có tới 8 chiếc hư hỏng xuống cấp và 3 cầu trong tình trạng rất nguy hiểm. Mặt gỗ của các cầu Pá Luông và cầu bản Sư Lư (cùng ở xã Na Son) đã mục nát, bong tróc, trong khi các dầm thép hoen gỉ vì đều đã được làm hơn 10 năm nay. Tại huyện Tuần Giáo, ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, cho biết toàn huyện có 17 cây cầu treo thì tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có 2 cây cầu đã hỏng hoàn toàn không sử dụng được là cầu treo bản Hỏm và cầu treo Ta Pao (cùng ở xã Mường Mùn). Ông Hoàn cũng cho biết, đa số các cây cầu ở Tuần Giáo đều được làm cách đây một hai chục năm nên hư hỏng, xuống cấp là điều khó tránh khỏi.

Biết nhưng đành bất lực

Trở lại với câu chuyện giáo viên và học sinh ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) phải vượt suối bằng cách chui vào túi ni lông, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, than thở: “Khổ lắm! Không chỉ có bản Sam Lang mà ở nhiều xã, bản khác đường đi lại của bà con cũng còn vất vả và hiểm nguy lắm. Như ở đường bản Sam Lang, thực ra cũng có một cây cầu vượt suối nhưng là cầu tạm làm bằng tre nứa nên chỉ có thể đi lại vào mùa khô hay những khi suối cạn. Còn vào mùa mưa, những cây cầu tạm bằng tre nứa này đều bị nước suối cuốn trôi nên giáo viên, học sinh hay người dân nào muốn qua suối ngoài cách chui vào túi ni lông nhờ các thanh niên trong bản đưa qua thì cũng chỉ còn cách bơi, hoặc lội qua dòng nước siết rất nguy hiểm”. Trong khi đó, ông Nghiêm Quang Thực chia sẻ, đâu chỉ có học sinh, giáo viên, ngay cả anh em trong ngành giao thông của tỉnh, không ít người đã vài lần hút chết ở sông, suối trong khi đi khảo sát đường sá, cầu cống ở những vùng sâu, vùng xa. 

Các cây cầu treo dân sinh xuống cấp đã nhiều năm nay, việc này sở biết, tỉnh biết, huyện cũng rất rành nhưng để khắc phục, sửa chữa lại rất hạn chế, thậm chí nhiều khi đành bất lực. Ông Lò Văn Hoàn nói: “Huyện nghèo, xã nghèo lấy đâu nguồn thu nên vốn đầu tư bảo dưỡng cầu đường rất hạn chế, chủ yếu chỉ đủ đáp ứng cho việc đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ”. Còn ông Thực thì tâm sự: “Quỹ bảo trì đường bộ của Điện Biên một năm chỉ thu được khoảng 20 tỷ đồng, trong khi đó làm một cây cầu treo cần từ 3 - 5 tỷ đồng. Từng đó số tiền thì chúng tôi không thể xoay xở được gì, rồi còn cả chuyện bảo trì đường bộ, cầu cống… khác nữa. Trong khi người dân ở đây lại quá nghèo, thưa thớt, nói nhà nước với nhân dân cùng làm, nhưng dân không có tiền thì biết làm sao được. Kêu nhiều rồi, nhưng để có được nguồn vốn rót từ trên xuống thì lâu lắm, đành chờ vậy... Vì thế mà chuyện Bộ GTVT có công văn hỏa tốc và cấp luôn tiền để xây cầu treo ở bản Sam Lang là trường hợp hy hữu nhưng cũng là thông tin vui với bà con nơi đây”.

Sở GTVT Điện Biên cho biết, cả Điện Biên có tới 125 cây cầu treo, trong đó có 21 cây cầu ô tô đi được, còn lại là 104 cây cầu dân sinh dành cho người đi bộ và xe máy. Nhưng trong số các cây cầu dân sinh có tới 60 cây cầu cần sửa chữa, hoặc làm mới kịp thời với tổng kinh phí khoảng 290 tỷ đồng, nếu không thì tai họa ập đến không biết lúc nào.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục