Chỉ 3 tháng qua, huyện Nhà Bè (TPHCM) xảy ra trên 4 vụ sạt lở bờ sông - kênh - rạch, cuốn trôi nhiều nhà cửa, người, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Bước vào các tháng cao điểm triều cường năm 2011, huyện này còn hàng trăm hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Hiểm nguy từng ngày
Đến cuối tháng 9-2011, toàn huyện Nhà Bè có hơn 20 điểm có nguy cơ sạt lở cao, khoảng 300 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng cần được di dời khẩn cấp. Trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Nhơn Đức, Hiệp Phước, Phước Lộc, Phú Xuân, Phước Kiểng… Riêng xã Nhơn Đức có đến 5 điểm có nguy cơ sạt lở cao, hơn 160 hộ dân nằm trong các điểm này đang từng ngày đối diện với hiểm nguy.
Ghi nhận của chúng tôi, sáng 28-9, tại bờ sông Rạch Dơi (ấp 4, Nhơn Đức) - nơi từng xảy ra sạt lở vào ngày 28-8, đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở nhưng hàng chục hộ dân tại đây vẫn chưa biết di dời về đâu. Bà Bùi Thị Sương, ở ấp 4, lo lắng: “Nhà tôi cách sông 20m nhưng sau các đợt triều cường, mưa lớn kéo dài vào tháng 7-2011, móng nhà đã có dấu hiệu bị lún và nghiêng. Chính quyền nói sẽ tái định cư đến nơi ở khác nhưng chưa thấy, còn việc xây bờ kè thì nghe dự tính xây từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh, trong khi bờ sông thì ngày càng sạt lở nặng”.
Tại ấp 2 xã Phước Lộc, dọc theo rạch Bà Tánh, nhiều đoạn bị sạt lở nặng kéo theo hàng loạt nhà dân bị xuống cấp (nứt tường, hở móng), thậm chí có căn nhà còn nghiêng hẳn ra sông. Tương tự, ở đoạn bờ sông gần cầu Phước Lộc 1 (xã Phước Lộc) cũng bị sạt lở, lộ ra nhiều hàm ếch. Để tránh sự cố sạt lở, nhà cửa bị cuốn trôi, Khu Quản lý Đường thủy nội địa TP đã khoanh vùng, gắn bảng “khu vực sạt lở 500m”, dù vậy hơn chục hộ dân trong khu vực vẫn cứ ở và sinh hoạt trong những căn nhà sát “miệng hà bá”.
Anh Nguyễn Văn Tưởng, ngụ ở 102B Đào Sơn Tích (ấp 2, Phước Lộc), có nhà trong vùng để bảng báo sạt lở, nói: “Biết ở như vậy là nguy hiểm, nhưng nếu không ở đây thì biết đi đâu, trước giờ chưa nhận được thông báo nào của xã về việc dời dân trong khu vực này”.
Dọc rạch Tắc Bến Rô (ấp 1, xã Phước Lộc), tình trạng sạt lở cũng đang ở mức báo động, 6 hộ dân nằm trong khu vực này đang phải từng ngày sống trong nỗi lo lắng, hãi sợ, không biết sẽ bị nước cuốn trôi lúc nào. Điều đáng nói hơn là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, hành lang an toàn kênh rạch… đều được Khu Quản lý Đường thủy nội địa TPHCM gắn bảng cảnh báo sạt lở nhưng vẫn có nhiều căn nhà mới xây không lâu, thậm chí có cả nhà kiên cố.
Nhiều biện pháp phòng chống
Ông Nguyễn Tuấn Tài, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết toàn xã hiện có 9 căn nhà nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cao (trong đó một căn trong diện di dời khẩn cấp), 700 căn nằm trong hành lang an toàn kênh rạch. Trong tuần này xã sẽ tháo dỡ căn nhà trong diện di dời khẩn cấp (bị lún, nghiêng ra rạch Bà Tánh); đề xuất huyện có phương án di dời 8 căn nhà còn lại trong năm 2011. Ngoài ra, xã cũng đang rà soát lại tính pháp lý của từng căn nhà để có kế hoạch, phương án hỗ trợ, di dời cụ thể, thích hợp.
Trong khi chờ huyện quy hoạch lại quỹ đất tái định cư cho số hộ dân có nhà sạt lở trên toàn huyện, xã cũng đang sửa chữa lại các trường học không còn sử dụng để kịp thời di dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Riêng về Dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở trên địa bàn xã Phước Lộc, hiện xã vẫn chờ ý kiến chỉ đạo của huyện.
Đại diện lãnh đạo xã Nhơn Đức cũng cho biết, đang cố gắng tập trung mọi biện pháp di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Các hộ dân phải di dời, đi ở tạm để tránh khỏi vùng sạt lở sẽ được xã hỗ trợ 6 tháng tiền trọ cuối năm để chờ phương án kế tiếp của huyện.
Ông Huỳnh Quốc Dũng, Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, cho biết huyện đang tập trung hỗ trợ các xã thực hiện các biện pháp dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đến nay, huyện đầu tư xây dựng hạ tầng 119 nền tái định cư cho dân trong diện sạt lở, số nền này đang được bố trí cho dân. Về các dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở, hiện nay huyện đang họp bàn với các sở liên ngành của TP để được ghi vốn đẩy nhanh tiến độ.
TUẤN VŨ – THANH PHÚC