Tại hội thảo “Hội tụ khoa học biển và địa chính trị tại biển Đông” do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức vừa diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ, các học giả Mỹ cho rằng những hoạt động cải tạo và san lấp thời gian qua của Trung Quốc là rất đáng quan ngại, đe đọa hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái biển ở biển Đông.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Trung Quốc vi phạm UNCLOS
Theo Giáo sư John McManus, Giám đốc phụ trách chuyên ngành sinh vật học hải dương và nghề cá thuộc Đại học Miami, việc Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp và mở rộng các đảo đá và bãi ngầm với qui mô lớn ở biển Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển, tàn phá các rạn san hô, các loài sinh vật biển khu vực quần đảo Trường Sa. Hoạt động đánh bắt cá bừa bãi ở biển Đông hiện rất đáng báo động, đặc biệt việc Trung Quốc điều các đội tàu tải trọng lớn và hiện đại, đánh bắt dài ngày ở biển Đông là phi khoa học và rất đáng quan ngại. Ông John McManus đưa ra ý tưởng xây dựng “Công viên hòa bình biển” (Marine Peace Park) ở quần đảo Trường Sa, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không cải tạo các đảo và bãi đá với qui mô lớn.
Còn theo ông James Borton, cựu phóng viên tờ Washington Times và là tác giả của cuốn sách mang tựa đề Biển Đông: Thách thức và triển vọng, việc Trung Quốc gia tăng các vụ xung đột và đụng độ với các nước láng giềng liên quan tới chủ quyền tại biển Đông có nguy cơ gây ra một thảm họa về môi trường, tự do hàng hải, gây phương hại ngành đánh bắt cá, đe dọa các hệ sinh thái biển và một trong những vùng biển có hệ san hô đẹp nhất của thế giới. Ông James Borton đề xuất thành lập Ủy ban Đa phương biển Đông xanh, với sự can dự và ủng hộ của ASEAN. Ông Borton cho biết, hoạt động bồi đắp và mở rộng đảo đá của Trung Quốc được giới khoa học và chuyên gia nhìn nhận là vi phạm trực tiếp Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Tàu Ấn Độ tham gia tập trận trên biển Đông
Trong một động thái nhằm phản ứng lại hành động muốn thay đổi hiện trạng trên biển Đông của Trung Quốc, Tổng thống Philippines Aquino cho biết máy bay của nước này sẽ tiếp tục các chuyến bay thông thường theo luật pháp quốc tế trên các bãi đá ngầm ở biển Đông. Theo Philippines Star, Tổng thống Aquino khẳng định không có vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên khu vực này và Manila sẽ tiếp tục thể hiện quyền trên Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ông Aquino nói Trung Quốc không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, vì làm như thế sẽ gây tổn hại đến hình ảnh khi Trung Quốc đang cố tạo thiện chí với các đối tác thương mại.
Trong diễn biến khác, theo Times of India, Ấn Độ quyết định cử 4 tàu hải quân, trong đó có tàu khu trục tên lửa dẫn đường, tới Ấn Độ Dương và biển Đông để tham gia tập trận, triển lãm - một phần của chính sách “Hướng Đông” mà nước này đang theo đuổi. Bốn tàu nói trên thuộc Hạm đội phía Đông, do Đô đốc Ajendra Bahadur Singh chỉ huy, dự kiến sẽ cập cảng ở Australia, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Giới chức Ấn Độ cho biết mục tiêu hàng đầu của hải quân nước này là đảm bảo an ninh và ổn định trên toàn khu vực Ấn Độ Dương thông qua các mối quan hệ khăng khít với các nước trong và ngoài khu vực.
Trong tuần này, Thượng nghị sĩ John McCain và Jack Reed dẫn đầu đoàn đại biểu gồm các nghị sĩ đến Việt Nam và Singapore. Ông McCain hiện là lãnh đạo Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong khi ông Reed là một thành viên cấp cao. Các thượng nghị sĩ dự kiến sẽ gặp các quan chức chính phủ và lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM để thảo luận về các vấn đề an ninh và kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại Singapore, các nghị sĩ tham dự Hội nghị đối thoại an ninh châu Á, Diễn đàn Shangri-La. |
THANH HẰNG (tổng hợp)