Năm học 2013 - 2014 đã bắt đầu, nhưng ước mơ được học trong ngôi trường mới khang trang, có cổng trường, sân chơi vẫn trở nên xa vời đối với học sinh nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Hàng loạt dự án cải tạo, xây mới đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Không tin nổi đó là trường học!
Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường học, số tầng cao của một trường tiểu học không vượt quá 3 tầng. Song trên thực tế, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM hiện nay không thực hiện đúng quy định trên. Đơn cử tại Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5), từ ngoài nhìn vô ngôi trường không khác gì một chung cư già nua, cũ kỹ với 1 trệt, 6 lầu. Khu nhà được xây dựng từ trước năm 1975, nay đã xuống cấp trầm trọng, nhiều mảng tường bong tróc. Toàn bộ tầng trệt của dãy nhà được tận dụng làm bãi giữ xe, các lớp học được bố trí từ tầng 2 đến tầng 6. Anh Nguyễn Thanh, phụ huynh có con học tại đây cho biết: “Ngày nào con tôi cũng phải leo bộ mấy tầng lầu. Phòng học của cháu diện tích chưa đầy 20m². Mỗi lần cúp điện nhà trường phải cho học sinh nghỉ học vì nóng bức và ngột ngạt. Giờ ra chơi, các cháu chỉ ngồi ở hành lang hoặc trong lớp học vì không có sân chơi”. Đầu năm học mới, chỉ học sinh lớp 1 và lớp 5 được dự lễ khai giảng tổ chức trên sân thượng ở tầng 6, các khối 2, 3, 4 chỉ cử đại diện tham dự do khuôn viên chật hẹp. Căn-tin được ghép chung với kho bình chứa nước và bồn rửa tay. Nhiều phụ huynh lo lắng nếu xảy ra sự cố, các cháu gần như không thể thoát hiểm với số tầng lầu “người lớn đi còn thở dốc, huống chi học sinh” và hai lối cầu thang lên, xuống nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ một người đi. Đại diện Phòng GD-ĐT quận 5 cho biết, trường đã có dự án xây mới từ năm 2009, ngân sách do TP phê duyệt hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về giải tỏa đền bù nên nhiều năm qua chưa thể khởi công xây dựng.
Đồng cảnh ngộ, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8) cũng trong tình trạng “ba không”: không có tầng trệt, không sân chơi, không cổng trường. Các phòng học đều nằm trên tầng 2 và 3, tầng trệt được trưng dụng làm nhà sách, quán cà phê và bãi giữ xe của hộ dân. Học sinh muốn vào trường phải đi qua các dãy cầu thang chật hẹp, thiếu ánh sáng. Hành lang và phòng học trở thành sân chơi bất đắc dĩ. Dự án xây mới trường đã có từ hơn 15 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Mỗi năm, trường chỉ được cấp một phần kinh phí để sửa chữa nhỏ, cải tạo tạm thời cho học sinh đón năm học mới. Tương tự, Trường Tiểu học Âu Cơ (quận 11) vốn là tòa nhà xây dựng từ năm 1964. Bước vào bên trong, người ngoài khó có thể tin đây là trường học với nhiều mảng tường bong tróc, thấm nước, mọc cả rêu xanh. Cửa các phòng học làm bằng gỗ đã mục nát gần hết. Cột nhà bị nứt, tay vịn cầu thang mẻ lỗ chỗ. Mỗi lần trời mưa, thầy và trò phải vừa học vừa lo mưa dột. Trường hiện có 26 phòng học nhưng chỉ sử dụng 13 phòng do các phòng học khác thiếu an toàn.
Tiếp tục chờ và hy vọng
Sau thời gian dài “kêu cứu”, dự án xây mới Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt đang được UBND quận 5 gấp rút triển khai, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2013 - cô Huỳnh Thị Bực, Hiệu trưởng nhà trường, vui mừng cho biết. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất dự kiến là cơ ngơi mới của nhà trường đến nay vẫn là vựa ve chai lớn nhất, nhì khu vực, bên trong chất đầy đồ phế thải. Tương tự, dự án xây mới Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận 8) đã có từ lâu nhưng do chưa thống nhất đơn giá bồi thường kho bãi ở Bến Bình Đông, nơi dự kiến sẽ xây mới ngôi trường, nên đến nay chưa thể bàn giao mặt bằng. Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết, quận đang kiến nghị UBND TP xem xét lại đơn giá bồi thường cho phù hợp. Nếu thuận lợi, trong năm 2014 sẽ xây thêm 3 trường học mới, trong đó đặc biệt ưu tiên Trường Tiểu học Lý Thái Tổ.
Riêng đối với Trường Tiểu học Âu Cơ (quận 11), ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11, cho biết: “Trường Tiểu học Âu Cơ là nỗi lo lớn nhất của chúng tôi hiện nay. Dự án xây mới đã có nhưng do vướng giải tỏa đền bù nên chưa thể thực hiện. Để bù lại thiệt thòi về cơ sở vật chất, học sinh ở đây được quan tâm nhiều hơn về chất lượng giảng dạy, được ưu tiên phân tuyến vào các trường THCS tốt trên địa bàn quận”. Hiện quận 11 đang gấp rút hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng của dự án, dự kiến đầu năm 2014 sẽ triển khai.
Song, như lời bộc bạch của một hiệu trưởng, trong thời gian chờ đợi các dự án triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng, các trường cần thêm nhiều kinh phí để cải tạo, sửa chữa tạm thời cơ sở cũ đang trên đà báo động. “Sớm nhất cuối năm nay các dự án mới được tiến hành. Nếu không có gì trở ngại, đến năm học 2014 - 2015 học sinh mới được học trong những ngôi trường mới. Nhưng từ đây đến đó, ngày nào chúng tôi cũng phải đối mặt với chuyện trường lớp ngày càng xuống cấp”, vị này chia sẻ. Do đó, song song với việc triển khai các dự án xây mới, địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, trong đó sự an toàn cho các em phải đặt lên hàng đầu.
THU TÂM