(SGGP).- Hàng ngàn ca tử vong của người bệnh mỗi năm do kháng thuốc, cùng với đó rất nhiều vi khuẩn đa kháng thuốc được ghi nhận, gây khó khăn cho quá trình điều trị… Đây là những vấn đề được đặt ra với ngành y tế, trong buổi mít tinh hưởng ứng ngày Sức khỏe thế giới (7-4), với chủ đề “Chống kháng thuốc: Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu lo ngại cho biết, hiện nay tình trạng kháng thuốc, nhất là tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại nước ta đang gia tăng và là thách thức lớn đối với việc điều trị các bệnh nhân mắc bệnh nhiễm khuẩn.
Theo kết quả nghiên cứu 19 bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng trong 2 năm 2009-2010 cho thấy, 4 chủng vi khuẩn thường gặp (acinetobacter spp, pseudomonas spp, e.coli, klebsiella) đều là những vi khuẩn đã kháng lại nhiều loại kháng sinh. Các nghiên cứu khác tại Việt Nam cũng phát hiện một số loại vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, một số kháng sinh thông thường như penicillin, tetracycline… gần như không còn tác dụng với nhiều loại vi khuẩn.
Vi khuẩn kháng thuốc đang gây ra nhiều khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian trong việc điều trị bệnh nhân, thậm chí không ít trường hợp điều trị không hiệu quả dẫn tới tử vong. Thống kê cho thấy, chỉ riêng với bệnh lao, mỗi năm cả nước có gần 6.000 ca bị nhiễm lao đa kháng thuốc, gây tử vong cho 1.800 trường hợp/năm.
Các chuyên gia y tế đã chỉ rõ nguyên nhân tình trạng trên là do thói quen tự ý mua và dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ của nhiều người khi bị các bệnh nhiễm trùng, dẫn đến việc nhiều vi khuẩn kháng lại hầu hết kháng sinh thông thường. “Việc coi kháng sinh như một loại “thần dược” chữa được tất cả các loại bệnh nhiễm trùng, sử dụng kéo dài, lạm dụng trong điều trị đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc...”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chỉ rõ.
Trước tình trạng vi khuẩn kháng thuốc gia tăng, để chủ động kiểm soát các vi khuẩn đa kháng sinh, hạn chế sự kháng thuốc của vi khuẩn trong điều trị, Bộ Y tế đã yêu cầu, các bệnh viện, viện nghiên cứu và cơ quan chức năng của ngành y tế cần khẩn trương thành lập mạng lưới quốc gia về theo dõi vi khuẩn đa kháng sinh tại Việt Nam, tăng cường hoạt động của khoa chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện trong cả nước.
Đồng thời xây dựng đề tài nghiên cứu để đánh giá thực trạng kháng thuốc và tăng cường kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và các cơ sở điều trị, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn.
Sáng 7-4, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL như Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre hưởng ứng ngày Toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện. Kết quả, trên 400 tình nguyện viên trực tiếp tham gia hiến máu.
Bác sĩ Lưu Thảo Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang cho biết, trong năm nay hội sẽ vận động cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân trong tỉnh hiến 7.000 đơn vị máu. Hiện, tỉnh Bến Tre đã thành lập được ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo ở các cấp với hơn 30.000 lượt người hiến máu tình nguyện, trong đó có 132 cá nhân hiến máu 5 lần và 22 cá nhân có thành tích hiến máu 10 lần trở lên.
NHÓM PV