Trong suốt 2 năm qua, người dân Hà Nội hết sức bất an mỗi khi lưu thông qua đoạn đường có những công trường dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang thi công.
Những giàn giáo dày đặc sắt thép và bê tông, những chiếc cần cẩu vươn cánh tay đầy bất trắc… từ lâu đã thành những hung thần đe dọa sự an toàn của người dân. Không ít người hàng ngày phải liều mình lưu thông qua những công trường đầy hiểm họa rình rập này và chỉ còn biết “cầu trời, khấn phật” để tai họa đừng giáng vào mình. Tình trạng này không biết còn kéo dài đến bao giờ khi ngày về đích của những dự án này luôn có nguy cơ bị lùi lại do chậm tiến độ.
Những sự cố liên tiếp xảy ra tại những dự án lớn đã đặt ra những câu hỏi lớn về công tác đảm bảo an toàn lao động; về năng lực quản lý, giám sát, thi công của chủ đầu tư, đơn vị giám sát và các nhà thầu. Và hơn hết, người dân có quyền đặt câu hỏi, phải chăng các đơn vị thi công đang coi thường tính mạng của họ? Nhìn lại cách xử lý các sự cố gần đây, người dân càng có quyền nghi ngờ khi họ nhận thấy các cơ quan chức năng chưa thực sự khách quan, cầu thị khi đánh giá về nguyên nhân các sự cố.
Có ý kiến cho rằng, lỗi ở những sự cố này là do trình độ công nhân, do chất lượng thiết bị của nhà thầu phụ có vấn đề. Thế nhưng vì sao nhà thầu phụ có năng lực yếu; vì sao công nhân không đủ trình độ, chất lượng trang thiết bị kém vẫn lọt vào công trường lớn; trách nhiệm thuộc về ai, xử lý ra sao chưa được làm đến nơi đến chốn? Rõ ràng, đã đến lúc, sự “không lường được” này cần được thẳng thắn nhìn nhận, đó là năng lực quản lý, giám sát thi công nhà thầu còn yếu.
Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM còn rất lớn, trong tương lai sẽ còn có nhiều dự án giao thông được triển khai. Trong đó, nhiều dự án phải triển khai trong điều kiện vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn giao thông. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là, làm thế nào để có được hệ thống các quy định, quy chuẩn về an toàn đầy đủ cho các công trình xây dựng nói chung và các công trình xây dựng trên cao nói riêng. Phải đặt tiêu chí an toàn cho người dân lên hàng đầu để từ đó đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu trong công tác thiết kế, đề xuất các giải pháp thi công, các biện pháp đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các công trình có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân cần phải có chế độ thanh tra, giám sát đặc biệt của các cơ quan chức năng.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng một quy trình chuẩn nhằm ngăn chặn, kiểm soát được rủi ro ngay từ đầu. Phải có những ràng buộc trong hợp đồng để loại bỏ những đơn vị có tư tưởng làm ăn “ăn xổi, ở thì”, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Nếu vi phạm, các đơn vị liên quan sẽ không chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà còn phải bồi hoàn kinh phí cho dự án trong trường hợp dự án phải thay đổi phương án thi công, bị chậm tiến độ, phải thay đổi nhà thầu…
MINH DUY