Bao giờ PJICO mới bán được bảo hiểm cho ngư dân?

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản báo cáo vướng mắc về bảo hiểm các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ-67). Lần này, Bình Định kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo tháo gỡ giúp các ngư dân tàu 67 của tỉnh này tham gia bám biển.

Theo UBND tỉnh Bình Định, Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) được Bộ Tài chính chỉ định là đơn vị bán bảo hiểm cho các ngư dân tỉnh Bình Định. Từ năm 2015 đến nay, PJICO đã cấp bán 4.866 lượt hồ sơ bảo hiểm theo quy định. Tuy nhiên, từ tháng 8-2019 đến nay, PJICO bất ngờ ngừng bán bảo hiểm khiến cho các chủ tàu 67 lâm cảnh khốn đốn.

Các tàu cá vỏ thép đóng mới theo NĐ-67 tại Bình Định vẫn đang nằm bờ nhiều tháng trời vì không mua được bảo hiểm, chủ tàu vô cùng khốn đốn

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Định đã có đến 38 tàu cá đóng mới theo NĐ-67 hiện đã hết hạn bảo hiểm và không mua được bảo hiểm mới. Các chủ tàu đa số đều vay tiền nên bị các ngân hàng “nhốt” tại cảng, không thể ra khơi vì sợ rủi ro không ai đền. Đa số các chủ tàu đều rất lo lắng cảnh nằm bờ giữa vụ cá tết, hầu hết rất bức xúc gửi đơn “cầu cứu” khắp nơi…

Trước đó, Bình Định liên tục tổ chức các cuộc họp để các bên ngồi lại bàn cách tháo gỡ giúp ngư dân. Tại cuộc họp ngày 6-12-2019, Bình Định mời lãnh đạo PJICO từ Hà Nội vào tham dự. Qua đó, vị lãnh đạo PJICO cam kết hết tháng 12-2019 sẽ cấp, bán bảo hiểm lại cho các ngư dân song đến nay vẫn chưa thực hiện đúng cam kết.

Mới đây, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến chỉ đạo và đưa ra “tối hậu thư”, đề nghị PJICO phải trả lời dứt khoát có bán bảo hiểm cho các tàu 67 tại Bình Định nữa hay không, không được kéo dài thêm.

Trả lời Báo SGGP trước đó, ông Trần Châu khẳng định, nếu PJICO vẫn không chịu bán bảo hiểm khiến các ngư dân tỉnh này phải nằm bờ dài hạn thì các ngư dân có quyền khởi kiện lại công ty bảo hiểm và yêu cầu đơn vị bảo hiểm phải khắc phục tất cả các thiệt hại trong những tháng tàu nằm bờ. Tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý để các công việc khởi kiện của ngư dân được tiến hành.

Ngoài ra, theo ông Trần Châu, thời gian qua, PJICO đang cố tình gây khó dễ cho ngư dân khi đưa ra các điều kiện ràng buộc không đúng quy định, không thuộc thẩm quyền. Cụ thể, việc PJICO đòi hỏi ngư dân đáp ứng rất nhiều yêu cầu theo Luật Thủy sản thì mới cấp bán bảo hiểm lại là không đúng quy định; vì đây thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc PJICO cho biết, đơn vị này vẫn đang tiến hành kiểm tra, thẩm tra những con tàu có đơn yêu cầu cấp bảo hiểm tại Bình Định.

“Không có chuyện chúng tôi làm thay công việc của các cơ quan chức năng. Đây là giao dịch dân sự, chúng tôi kiểm tra, phát hiện có các rủi ro thì có quyền khuyến cáo để sửa đổi, thay đổi cho phù hợp. Ở đây không những ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân mà còn làm tăng rủi ro trong quá trình khai thác của Nghị định 67…”, ông Hải nói.

Theo lãnh đạo PJICO, thời gian qua, Bình Định xảy ra 9 đến 10 tàu cá chìm đắm, tổn thất lên đến hàng chục tỷ đồng rất bất thường vì không rõ nguyên nhân. Các con tàu cứ bất ngờ đắm, chẳng có nguyên nhân gì?

“Chúng tôi được quyền đánh giá rủi ro khi thấy mình bị ảnh hưởng, không thể bắt chúng tôi phải bán mà cứ lỗ liên tục như thế này được. Đây toàn là vốn Nhà nước thì ai chịu trách nhiệm. Quan trọng ở đây là ý thức, trách nhiệm của các ngư dân. Đơn vị chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng chính sách…”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, ông Trần Châu cho biết, trước đó, khi có kiến nghị của PJICO, Bình Định đã chỉ đạo công an tỉnh này vào cuộc điều tra, làm rõ 4 con tàu bị đắm bất thường, tổn thất toàn bộ. Hiện, công an tỉnh vẫn đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra nguyên nhân các tàu đắm, nếu phát hiện có gian lận hay lợi dụng sẽ xử lý nghiêm.

Tin cùng chuyên mục