Rủi ro trong xuất khẩu (XK) luôn là nguy cơ có thể xảy ra với các doanh nghiệp (DN) khi gặp những khách hàng lừa đảo, cố tình không thanh toán... Để phòng tránh những rủi ro này, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là loại hình bảo hiểm mà các nước phát triển áp dụng từ lâu. Vì vậy, năm 2011, Chính phủ có Quyết định 2011/QĐ-TTg về việc bảo hiểm tín dụng xuất khẩu với thời gian thí điểm từ năm 2011 đến 2013. 2 nhóm hàng quan trọng, trong đó nhóm hàng nông sản được quan tâm gồm gạo, thủy sản, cao su, cà phê, rau quả, hồ tiêu, nhân hạt điều, chè (trà), sắn (khoai mì) và các sản phẩm từ sắn, mây tre cói và thảm, sản phẩm gỗ. Ngoài ra còn có nhóm hàng dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, gốm sứ, thủy tinh, sản phẩm chất dẻo, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng, túi xách (kể cả vali, mũ, ô dù), sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải.
Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chính phủ rất quan tâm đến bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Bảo đảm được rủi ro cho thị trường XK, giúp đẩy mạnh XK, phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, giải quyết được nhiều vấn đề về thanh toán, thuế, bảo hiểm, xúc tiến thương mại… Thế nhưng, ông Phạm Đình Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, gần 2 năm thực hiện thí điểm mới đạt 0,02% giá trị XK so với con số 3% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, năm 2011 có 15 hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, trị giá hơn 3.700 tỷ đồng. Từ đầu năm 2012 đến nay có 6 hợp đồng trị giá 471 tỷ đồng. Điều đáng nói, Nhà nước đã hỗ trợ cho DN 20% mức phí phải đóng.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, có thể do thể chế ban hành thực hiện chưa tốt, sản phẩm bảo hiểm này chưa mang lại lợi ích nhiều cho DN, cũng có thể do tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn. Thực tế nhiều DN chưa nghe về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, nhưng cũng có khá nhiều DN chưa thật sự hiểu rõ về loại hình bảo hiểm này, còn nhầm lẫn giữa rủi ro bảo hiểm tín dụng xuất khẩu do khách cố tình không thanh toán hay trì hoãn thanh toán hoặc do rủi ro về biến động chính trị nước nhập khẩu khác với rủi ro trong XK do bản thân hợp đồng giao dịch gây ra như chất lượng sản phẩm, chủng loại…
Theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu (TP Cần Thơ), ngành hàng gạo XK gặp khá nhiều rủi ro với khách hàng, nhất là khi mở rộng thị trường XK gạo. Nhiều DN khi XK gạo đã bị khách hàng cố tình trì hoãn hoặc hủy hợp đồng. 99% rủi ro trong thanh toán hợp đồng XK gạo khi có sự cố đều do khách hàng vin vào lý do chất lượng không đảm bảo. Đó là điều DN quan tâm nhưng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu lại không bảo hiểm tình huống này, nên các DN XK gạo chưa thể mặn mà mặc dù bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là điều kiện giúp cho DN mạnh dạn chớp thời cơ để phát triển sản xuất, kinh doanh nhờ có bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để hạn chế rủi ro khi mở rộng thị trường XK.
ĐĂNG LÃM