Bảo hộ quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội

Sáng 17-8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia vào dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

(SGGP).- Sáng 17-8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia vào dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo. 

Tại hội nghị, đại diện các tôn giáo, các chuyên gia nhận định, sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý của các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội và cơ quan liên quan, dự thảo luật đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đã khắc phục được việc hành chính hóa trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện sự bảo hộ quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội; đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; bày tỏ niềm tin và hành đạo đáp ứng nhu cầu của các tín đồ tôn giáo đóng góp cho xã hội.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu rõ: So với dự thảo trước, cơ chế xin - cho trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã được thay thế, mở rộng quyền cho các tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Các cụm từ “đề nghị”, “xin phép” đã được thay thế bằng cụm từ “thông báo về các nội dung hoạt động tôn giáo” theo Hiến chương, giáo luật của tôn giáo. Dự thảo luật cũng đã nêu rõ, các tôn giáo là một thực thể pháp nhân trong xã hội; có các điều khoản để các tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo...

Theo Tiến sĩ Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội, dự thảo luật lần này đã có nhiều điều khoản mới, không chỉ quy định sự tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc không tín ngưỡng tôn giáo, mà còn có tự do thay đổi tôn giáo, quyền tự do tôn giáo của những người bị tạm giam, tạm giữ, tù nhân. Dự thảo luật quy định rõ các tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, dạy nghề, bảo trợ xã hội. Các vấn đề phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử các chức sắc tôn giáo cũng được quy định đơn giản, không phức tạp. Các cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo không phải theo nơi cư trú của người tham dự mà theo quy mô tổ chức.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách tín ngưỡng tôn giáo. Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do đó, những vấn đề này cần được nghiên cứu, xem xét, quy định đầy đủ.

PHAN THẢO 

Tin cùng chuyên mục