Bạo lực bệnh viện - rất đáng lo

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình trạng côn đồ, người nhà bệnh nhân hành hung, lăng mạ cán bộ, nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ tại nhiều bệnh viện (BV) có chiều hướng gia tăng, khiến môi trường y tế trở nên bất an. 
Một bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh phải nhập viện
Một bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh phải nhập viện
Báo cáo “Nghiên cứu thực trạng bạo lực BV đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại BV Nhi trung ương” (được công bố mới đây tại Hội nghị Khoa học Điều dưỡng nhi toàn quốc) đã cho thấy các y bác sĩ, nhân viên y tế đang phải chịu nhiều sức ép từ môi trường làm việc.
Kết quả nghiên cứu (được thực hiện với trên 300 điều dưỡng tại các khoa lâm sàng của BV Nhi trung ương) đã cho kết quả đáng phải suy ngẫm, khi có tới 72,7% điều dưỡng bị bạo lực trong 12 tháng qua. Thậm chí, có hơn 65% điều dưỡng bị bạo lực lời nói và 23,7% điều dưỡng bị bạo lực thể chất. Nghiên cứu cũng đưa ra kết luận, điều dưỡng làm việc tại khu vực cấp cứu, khám bệnh có nguy cơ bị bạo lực cao hơn 2 lần so với điều dưỡng các khu vực khác.
Cùng với đó, một nghiên cứu về mức độ stress ở điều dưỡng viên cũng được công bố, cho thấy có trên 42% điều dưỡng viên của BV bị mắc stress. Tỷ lệ điều dưỡng viên tại BV Nhi trung ương bị mắc stress cao so với một số BV tại khu vực Hà Nội cũng như trên cả nước. Các điều dưỡng viên làm việc tại các khu vực khám bệnh phải chịu đựng độ ồn cao hơn, stress nhiều hơn. Theo các chuyên gia y tế, stress  làm suy giảm sức khỏe của điều dưỡng viên về cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như gây ra một số hành vi không tốt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.
Trong khi đó, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Còn thống kê của Hội Điều dưỡng Mỹ cho thấy, trung bình mỗi năm có 21% điều dưỡng ở nước này bị xâm hại thân thể, hơn 50% bị hành hung bằng lời nói. Còn thống kê của Hội Y học Ấn Độ cho kết quả: có 75% bác sĩ ở nước này phải đối đầu với bạo hành nơi làm việc. Theo ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, trước thực trạng gia tăng số vụ bạo hành, lăng mạ nhân viên y tế, y bác sĩ, đòi hỏi Bộ Y tế, các bộ ngành chức năng và bản thân các BV phải tăng cường những biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm nóng như khu vực hồi sức, cấp cứu, phòng khám...
Cùng với đó, cần phải nghiêm trị, xử lý thật nghiêm mọi hành vi xâm hại, bạo lực đối với cán bộ, nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ. Đồng thời, để giảm stress cho cán bộ, nhân viên y tế, các BV cần đảm bảo sự phân công công việc phù hợp với trình độ chuyên môn và năng lực, giảm tiếng ồn tại những nơi có thể, chia nhiều khu chờ khám, nhiều khu khám bệnh cho bệnh nhân để giảm sự cộng hưởng âm thanh.

Tin cùng chuyên mục