Bạo lực học đường không còn là chuyện lạ và những bậc phụ huynh quan tâm đến con em cũng vô cùng bức xúc trước tình trạng này. Theo số liệu thống kê từ Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT), 7 năm qua, từ năm 2003 đến nay, con số từ 38 Sở GD-ĐT báo cáo cho thấy số vụ bạo lực học đường lên đến 8.000, gây nhức nhối lòng người.
Đi tìm “trách nhiệm toàn xã hội”
Ngày 11-10, người ta lại chứng kiến một video clip dài 2 phút 57 giây quay cảnh các nữ sinh Trường THCS Vân Hồ (Hà Nội) đánh nhau ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Mặc dù một bên đã chịu thua nhưng đối phương vẫn tiếp tục đơn phương tấn công, ra đòn bằng chân vào bụng đối thủ và còn nghe nhiều tiếng cười khoái trá của những người ngoài cuộc.
Tại TPHCM đã từng xảy ra cảnh nhóm nữ sinh THCS nắm đầu, giật tóc và dùng cả dao lam để hăm dọa bạn. Còn tại một trường khác, chỉ vì xích mích mà 2 nam sinh đã hẹn nhau “tính sổ” dẫn đến cái chết của một em, còn em kia đối diện với bản án giết người. Tại Hà Nội, chuyện học sinh lớp 12 của một trường nọ dùng hung khí thanh toán nhau, khiến một nạn nhân tử vong làm dư luận bàng hoàng… Đánh nhau, quay clip rồi tung lên mạng như trò chơi thời thượng của học sinh hiện nay, là những bậc làm cha làm mẹ, ai không đau lòng khi con em mình là nạn nhân của những trò đấm đá? Và liệu những phụ huynh chân chính có thể làm ngơ khi con em mình là thủ phạm, là nhân vật chính trong những clip nói trên?
Báo chí đã tốn nhiều giấy mực để đề cập đến tệ trạng này. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà tâm lý hoặc lãnh đạo ngành giáo dục địa phương lên tiếng phản ứng gay gắt. Người ta cũng không quên đề cập đến vai trò và trách nhiệm của xã hội – gia đình – nhà trường, hay như cách nói khác là “trách nhiệm của toàn xã hội” như những yếu tố cơ bản để giải quyết tình trạng này. Phản ánh, lên án… nhưng bạo lực học đường vẫn tiếp tục diễn ra như căn bệnh bất trị. Đi tìm “trách nhiệm của toàn xã hội”, xem ra đúng về mặt lý thuyết nhưng ai, đơn vị nào là người tháo chốt, gỡ ngòi cho sự việc, vẫn còn quá mông lung.
Nên bắt đầu từ đâu? Câu hỏi này chưa được các ngành chức năng xem xét và trả lời nghiêm túc. Đây chính là nguyên nhân để nạn bạo lực học đường tồn tại. Kiểu nói chung chung, lên gân để xoa dịu dư luận nhất thời dường như trở thành căn bệnh của các nhà quản lý giáo dục. Dư luận đòi hỏi phải có một hành động thiết thực, cụ thể, dù chưa thể giải quyết tận gốc nạn bạo lực học đường chí ít cũng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này.
Đâu là thuốc đặc trị?
Không thể phủ nhận vai trò của xã hội, gia đình hay nhà trường, nhưng địa chỉ trách nhiệm cụ thể phải bắt đầu từ nhà trường, nơi xảy ra các vụ bạo hành đáng tiếc. Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần giữ vai trò chính trong việc xây dựng nhiều hệ thống giải pháp khác nhau thật cụ thể, kéo xã hội và gia đình cùng vào cuộc với mình, như nhiều nước đã xây dựng chương trình chống bắt nạt trong trường học, giáo dục học sinh kỹ năng chống bắt nạt trong nhà trường, trên đường phố; khuyến khích các em tham gia những trò chơi tập thể trên lớp; tham gia thảo luận về đề tài chống bắt nạt, hóa giải hành động, thái độ hung hãn…
Công cụ để xây dựng hệ thống giải pháp này đều hoàn toàn nằm trong tầm tay ngành giáo dục. Đó là các giờ đạo đức, giáo dục công dân, các tổ chức đoàn đội, các hoạt động cộng đồng. Nói cụ thể, hãy biến giờ học đạo đức tẻ nhạt, chung chung hiện nay thành diễn đàn để các em bày tỏ ý kiến của mình, lên án nạn bạo lực học đường. Tổ chức đoàn, đội phải trở thành người bạn đường gắn kết và góp phần chuyển hóa các học sinh cá biệt thành học sinh tốt. Hãy thay thế việc học sinh phải đóng tiền này tiền nọ cho các phong trào bằng việc lôi kéo các em vào các hoạt động thiện nguyện như góp quần áo cũ, tập sách cho học sinh vùng lũ… Không thiếu các kênh giải pháp, vấn đề là ngành giáo dục có tự thấy nhiệm vụ của mình và đề ra nhiều giải pháp thích hợp, tránh sáo mòn, xơ cứng, chung chung như đã từng làm.
Vấn đề cần làm ngay
Tại sao bạo lực càng lúc càng diễn ra nhiều, đặc biệt là ở nữ sinh? Biện pháp nào để ngăn chặn? Theo chúng tôi có mấy vấn đề cần làm ngay:
Thứ nhất, gia đình, xuất phát từ việc các bậc cha mẹ quản lý con em còn lỏng lẻo, chưa thật sự quan tâm xem con em mình chơi với ai, xem gì, đọc gì, tốt hay xấu nên không kịp thời uốn nắn khi các em có những suy nghĩ, hành động lệch lạc. Cha mẹ không gần gũi con cái, không phản ứng, phân tích phải trái mỗi khi con mình xích mích với bạn.
Thứ hai, nhà trường (giáo viên đứng lớp, chủ nhiệm, ban giám hiệu…) chưa gần gũi, sâu sát học sinh trong việc theo dõi, tìm hiểu tính cách, hành động của từng học sinh để từ đó hướng các em biết ứng xử tốt, văn minh khi có xích mích. Thực tế ở những trường từng xảy ra bạo lực, “thuốc trị” đối với học sinh hư hỏng cũng không được nhà trường sử dụng đúng liều để trị tận gốc.
Thứ ba, môi trường ở khu vực xung quanh trường chưa được các ngành chức năng chú trọng xây dựng sao cho an ninh, trật tự. Điều này có thể thấy, ở các hàng quán trước cổng trường THCS, THPT thường xuất hiện nhiều băng nhóm, tụ tập bài bạc, chơi game… lôi kéo học sinh tham gia, dần dần các em bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
Thiết nghĩ, đã đến lúc nhà trường và gia đình cần có những cái siết tay thật chặt trong quản lý, giáo dục con em học sinh. Với xã hội cần có những “liều thuốc” nặng đô đối với những phần tử, băng nhóm, học sinh tham gia các tệ nạn, giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí. Có như thế mới mong ngăn chặn được căn bệnh bạo lực học đường đang lây lan thành… “dịch” này.
Cát Tường - Phạm Minh