Bảo mẫu bạo hành trẻ em - Trách nhiệm từ nhiều phía

Sau các vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, đến ngày 30-12-2013, các cơ sở giữ trẻ không đủ điều kiện hoạt động phải đóng cửa. Nhiều phụ huynh đang chạy đôn chạy đáo tìm nơi gửi trẻ. Việc này đã bộc lộ thực trạng bất cập của hệ thống cơ sở nuôi dạy trẻ: Lâu nay các nhà nuôi dạy trẻ tư nhân không được quản lý chặt nên có nhiều cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động. Trong khi đó, các trường mầm non công lập quá ít, mỗi phường chỉ có 1 trường, không đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, chủ yếu chỉ dành cho con CBCNV có hộ khẩu tại phường, thậm chí một số phường không có trường mầm non công lập.

Hãy khảo sát xem liệu có bao nhiêu trẻ em là con công nhân, lao động thu nhập thấp, nhập cư chen chân được vào trường mầm non công lập? Trong khi người nhập cư vào TPHCM mỗi lúc một đông, số lượng trẻ nhỏ tăng nhanh, địa phương không đáp ứng đủ chỗ học cho tất cả trẻ sinh sống tại địa bàn. Do đó, để giải quyết vấn đề xã hội này nên khuyến khích, tạo điều kiện để các trường mầm non tư thục mở ra nhằm giảm tải cho trường công. Trên thực tế, các trường mầm non tư thục có vai trò lớn trong việc giảm tải cho các trường mầm non công lập, tuy nhiên, khi cầu quá cao, cung được mở ra một cách ồ ạt, nhiều nhóm trẻ gia đình cũng hình thành mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương.

Theo quy định, một trong những điều kiện bắt buộc để mở trường mầm non tư thục là người mở phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên, nhưng ngày nay, nhiều trường mầm non tư thục được mở ra với tấm bằng đi thuê, hoặc mở tự phát không giấy phép. Thực tế hầu hết bảo mẫu ở các cơ sở giữ trẻ không phép là người lao động tự do xin vào làm, không hề được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát được hành vi của bản thân, nên dễ quạu khi trẻ quấy khóc, dẫn đến bạo hành trẻ em. Hơn nữa, do thu nhập khá thấp, các chế độ không thỏa đáng mà phải chăm sóc lượng trẻ khá đông, khiến họ gặp áp lực. Mặt khác, phụ huynh nào có điều kiện thì “lót tay” các cô bằng phong bì, quà cáp, đã tạo ra tâm lý phân biệt, yêu ghét của bảo mẫu với các bé, như nhiệt tình chăm sóc bé này mà hững hờ, thô bạo với bé kia. Tổng hợp những bất cập đó, dẫn đến tình trạng bảo mẫu bạo lực đối với trẻ.

Một trong những điều đáng trách là sự vô cảm của tổ dân phố và những người sống xung quanh các nhà giữ trẻ có nạn bạo hành trẻ. Nhiều trường hợp khi sự việc được phanh phui, người dân sống xung quanh mới lên tiếng xác nhận rằng họ đã biết từ lâu nhưng do sợ bị trả thù nên để những đứa trẻ hàng ngày phải chịu những đau đớn về mặt thể xác và những vết thương tâm lý quá lớn ngay những năm tháng đầu đời. Bạo hành trẻ không chỉ diễn ra ngày một ngày hai, mà đa phần các trường hợp này bị bạo hành một thời gian dài. Trẻ bị bạo hành thường có biểu hiện sợ hãi theo kiểu phản xạ có điều kiện, như khóc mỗi khi đi học, sợ hãi khi tới trường, khi gặp cô. Phụ huynh cũng có lỗi, không chú ý, không dành thời gian để hỏi han, trò chuyện với trẻ, thế nên đã không kịp thời nhận ra những nỗi sợ hãi của con mình khi đưa đến nhà giữ trẻ và những tổn thương tâm lý sau mỗi ngày ở đó.

Dù trách nhiệm thuộc về ai chăng nữa, điều quan trọng nhất lúc này là chính quyền địa phương cần rà soát thẩm định đúng nhà giữ trẻ nào đủ điều kiện, có thể cho tiến hành thủ tục cấp phép để tiếp tục hoạt động. Sau đó phải phối hợp với các tổ dân phố có phương án quản lý thật chặt hoạt động của các nhà giữ trẻ này.
 

THANH LY (quận 9, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục