Bao phủ y tế toàn dân phải dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ban đầu

Ngày 23-8, tại TPHCM, đã diễn ra Cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế với chủ đề “Cải cách tài chính y tế cho sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”.
Có các giải pháp để chăm sóc y tế cho người dân vùng sâu, vùng xa
Có các giải pháp để chăm sóc y tế cho người dân vùng sâu, vùng xa

Phát biểu khai mạc tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, để có thể chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân, Nhà nước không chỉ lo cơ chế để người dân có thể được chữa bệnh một cách tốt nhất mà phải hướng làm sao để huy động mọi người dân cùng nhà nước lo có y tế dự phòng, phòng bệnh hơn chữa bệnh; đồng thời có các giải pháp để chăm sóc y tế cho người dân vùng sâu, vùng xa, đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, dân tộc ít người, người tàn tật thật sự được bình đẳng, tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất, đặc biệt là các dịch vụ y tế dự phòng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp
 Dự kiến, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chú trọng các nguồn lực sang các tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để cung cấp cho người dân dịch vụ y tế cộng đồng và thiết yếu có tính tiếp cận an toàn, hiệu quả và khả năng chi trả.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần xác định phương pháp hiệu quả nhất để đảm bảo mọi người dân và cộng đồng được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng mà không gặp khó khăn về tài chính và vấn đề bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là một mục tiêu cụ thể trong các mục tiêu phát triển bền vững cũng như là nền tảng kết hợp các chương trình, hành động cho sức khỏe và phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, quá trình này đòi hỏi các quy định hiệu quả để có thể khai thác các phương pháp tiếp cận năng động và sáng tạo, từ cả khu vực công - tư, trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của hệ thống y tế.  Mặc dù vậy, giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC, Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, như là chi tiêu túi tiền cho y tế cao, khu vực phi chính thức lớn, tiếp cận kém với dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn, hệ thống tập trung vào bệnh viện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chăm sóc sức khoẻ thấp,...  và phần lớn các nguồn lực tập trung nhiều vào các dịch vụ điều trị, trong khi không đủ để cung cấp cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu có chi phí hiệu quả.

"Việc kêu gọi bao phủ y tế toàn dân là cần thiết nhưng phải dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ban đầu đã khuyến khích đối thoại chính sách về cải cách tài chính y tế để xây dựng hệ thống y tế công bằng và hiệu quả hơn". - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận làm rõ các nội dung: Những thách thức cơ bản trong việc huy động đủ nguồn ngân sách công cho y tế và các chiến lược sử dụng ngân sách một cách hiệu quả; Làm thế nào để có thể đo lường được lợi ích của đầu tư công trong y tế để các nền kinh tế APEC ưu tiên cho y tế trong tổng ngân sách của chính phủ; Phát hiện và khai thác các sáng kiến mở rộng, tiếp cận với các dịch vụ y tế công và tư trong nền kinh tế APEC theo cách bền vững; Chia sẻ các sáng kiến và quan hệ đối tác đang được tiến hành để đạt được các mục tiêu Vì một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh năm 2020. 

* Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ Thomas Price đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác phát triển phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia.

Bao phủ y tế toàn dân phải dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe ban đầu ảnh 2     Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Hoa Kỳ Thomas Price trao bản ghi nhớ

Theo đó, hai bên sẽ thiết lập một khuôn khổ chung về hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lực phòng xét nghiệm với mục đích hợp tác phát triển một phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia cho hệ thống y tế công cộng tại Việt Nam. Hai bên cũng dự định hợp tác để xây dựng một kế hoạch dài hạn, theo đó có thể xác định các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực cả hai cùng quan tâm. Bản ghi nhớ hợp tác có hiệu lực 5 năm và có thể được gia hạn trên cơ sở thỏa thuận của hai bên.

Tin cùng chuyên mục