1. GS Ngô Bảo Châu đoạt “Nobel toán học”
Khoảnh khắc 12 giờ 55 phút ngày 19-8-2010 trở thành cột mốc vàng trong lịch sử toán học VN khi GS Ngô Bảo Châu được xướng tên là một trong số 4 nhà toán học đoạt huy chương Fields (được xem như giải Nobel cho lĩnh vực toán học).
GS Ngô Bảo Châu trở thành nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng danh giá này, đưa Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật có nhà toán học đoạt giải Fields.
Thành tựu đột phá của GS Ngô Bảo Châu đã được tạp chí uy tín Time của Mỹ bình chọn là 1 trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhất của năm 2009.
2. Việt Nam giành giải nhất thiết kế vi mạch quốc tế
Ngày 19-3-2010 tại Okinawa, Ban tổ chức cuộc thi thiết kế vi mạch LSI 2010 đã trao giải nhất cho đội Little Chickens của Việt Nam, với hai thành viên là Trần Thị Hồng và Luyện Đức Hạnh. Đội “Little Chickens” (thuộc ICDREC, Việt Nam) lọt vào top 10 trong 27 đội và vượt qua các đội đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… để giành giải cao nhất.
Đây là lần đầu, một bản thiết kế vi mạch của Việt Nam tham gia sân chơi quốc tế.
3. Tăng học phí
Chính phủ ban hành Nghị định 49 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Mức học phí bậc học mầm non và phổ thông từ 5.000 - 200.000 đồng/tháng/HS tùy vào bậc học và khu vực. Bậc đại học mức thu thấp nhất là 290.000 đồng và cao nhất là nhóm ngành y dược có mức thu 340.000 đồng/tháng (tăng đều qua các năm và đến năm học 2014 - 2015 sẽ thu 800.000 đồng/tháng/SV). Mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Đến nay, cả nước có khoảng 20 tỉnh thành áp dụng mức học phí mới, tuy nhiên 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM vẫn chưa áp dụng trong năm học này.
4. Việt Nam tụt hạng tại kỳ thi Olympic quốc tế
Năm 2010 là năm đội tuyển VN chỉ đoạt 2 HCV cho cả 5 môn thi (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin) tại đấu trường Olympic quốc tế. Năm 2010 cũng là năm đội tuyển VN chỉ đứng ở vị trí thứ 11, đánh dấu năm thứ 5 đội tuyển của chúng ta rời khỏi top 10 đội mạnh nhất. Từ một đội luôn nằm trong top 10 xếp hạng toàn đoàn (năm 2000, VN ở vị trí thứ 5) đã rơi xuống vị trí 11 - 15 trong vòng 5 năm trở lại đây.
5. Triển khai nhiều dự án ngàn tỷ
Đây là năm ngành giáo dục có nhiều dự án ngàn tỷ nhất. Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng, đề án sẽ đầu tư 63 trường chuyên trên toàn quốc và xây dựng 15 trường chuyên trọng điểm ngang tầm với các trường trung học tiên tiến khu vực. Tuy nhiên, đề án gặp phản đối của dư luận từ việc “loại” các trường chuyên thuộc ĐH khỏi sân chơi, tiêu chí xác định 15 trường trọng điểm để đầu tư vẫn còn khó hiểu… Tiếp theo là đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 55% năm 2010 lên 85% năm 2012 và 100% vào năm 2015.
6. Bùng nổ bạo lực học đường
Năm 2010 cũng là năm bùng nổ... bạo lực học đường. Chưa bao giờ, những vụ học trò đánh nhau lại trở nên rầm rộ, có tổ chức, có quay video clip và phát tán lên mạng nhiều như năm học này. Đó là chưa kể không ít thầy cô giáo, bảo mẫu bị phát hiện bạo hành đối với học sinh và trẻ nhỏ trong thời gian dài. Chỉ tính riêng TPHCM từ đầu năm đến nay đã xảy ra 7 vụ bạo lực học đường được phát hiện khi clip phát tán trên mạng.
7. Đà Nẵng “nói không” với cử nhân tại chức
TP Đà Nẵng không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước. Đây là chủ trương của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp tại kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khóa VII. Quyết định này được xem như một “cú đấm” trực diện vào động cơ học tập suốt đời của nhiều người trong xã hội mà trước hết là những người đang theo học hệ tại chức. Tuy nhiên, không chỉ Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng nên tự hỏi vì sao bao nhiêu công cụ tuyển dụng lại không thể tuyển chọn được người tài thật sự mà phải dùng đến quy định theo kiểu “thà giết lầm hơn bỏ sót”?
8. Nở rộ liên kết đào tạo quốc tế
Trong thời gian qua, các chương trình liên kết bùng nổ mạnh mẽ về số lượng cũng như những vấn đề bất cập trong quản lý cũng ngày một lớn. Tất cả đang làm cho dư luận đang lo ngại và hồ nghi về chất lượng đào tạo của loại hình này. Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT đã công khai 112 chương trình liên kết đào tạo nước ngoài được bộ cho phép để người học yên tâm lựa chọn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều chương trình liên kết quốc tế đang thực hiện ở nhiều cơ sở đào tạo nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể quản lý xuể.
9. Siết việc thành lập trường đại học
Tháng 10-2010, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo thành lập trường ĐH. So với những quy định trước đây, có thể nói những quy định trong dự thảo lần này của Bộ GD-ĐT đã thật sự siết chặt để không còn tái diễn cảnh nhiều trường “tay không bắt giặc” như: quy định “thành lập trường ĐH phải có vốn ít nhất 150 tỷ đồng được góp bằng tiền từ các nguồn hợp pháp (không kể giá trị về đất đai)”, chỉ để đầu tư xây dựng trường; trường phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó mỗi ngành, chuyên ngành có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký...
10. Đưa toán học Việt Nam vào top 40 thế giới
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020” với mục tiêu đưa toán học Việt Nam lên hàng thứ 40 của toán học thế giới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phải có đủ đội ngũ giảng viên toán có trình độ ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó trên 70% giảng viên ở các trường đại học lớn có bằng tiến sĩ. Bên cạnh đó, xây dựng Viện Toán học và 1-2 khoa toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo toán của khu vực.
Ban Khoa giáo