35 năm kể từ ngày Báo SGGP ra số đầu tiên, thời gian trôi đi thật nhanh nhưng cũng đủ chứng kiến biết bao đổi thay của một tờ nhật báo sớm có mặt ngay từ những ngày đầu thành phố Sài Gòn vừa được giải phóng. Và cứ mỗi dịp mừng sinh nhật, Báo SGGP lại thêm một lần được nói lên tiếng nói tri ân từ đáy lòng mình và lại được lắng nghe những gửi gắm, góp ý chân tình của bạn đọc qua những lá phiếu thăm dò trong thời gian qua.
Tuy số lượng phiếu thăm dò bạn đọc gửi về chưa nhiều nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy những gửi gắm đầy nghĩa tình của bạn đọc. Nhiều lá thư viết tay hay đánh máy thể hiện tâm huyết, trí tuệ của bạn đọc với tờ báo làm chúng tôi rất xúc động. Nhiều bạn đọc cảm thấy một trang A4 in sẵn câu hỏi trên báo là chưa đủ nên kèm thêm 1-2 trang viết tay, khi thì trên trang giấy học trò, khi thì trên trang A4. Đó thật sự là những tiếng nói tâm huyết, góp ý rất chân thành xuất phát từ niềm tin yêu đối với tờ báo.
Với độc giả là cán bộ hưu trí thì đa số đều hài lòng, đánh giá cao các chuyên mục, cách trình bày ở trang 1 báo ngày và tỷ lệ này giảm dần theo độ tuổi được trẻ hóa. Đại đa số các độc giả dưới 30 tuổi nhận xét chất lượng các chuyên mục ở mức trung bình và điểm trình bày trang 1 phổ biến là dưới 7 điểm (chiếm 63,4%) trong khi với độc giả hưu trí thì điểm trình bày trang 1 từ 8-10 điểm, chiếm tỷ lệ 81,2%.
Đa số độc giả hưu trí mua báo từ kinh phí cá nhân đều đánh giá cao mảng thông tin thời sự chính trị xã hội. Trong năm qua, loạt bài khẳng định Chủ nghĩa xã hội ra đời và phát triển như một quy luật tất yếu lịch sử, chuyên mục “Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm ấy”, “Đảng với dân – từ lý luận đến thực tiễn” hay loạt bài “Đường Trường Sơn – ký ức thời hoa lửa” được nhiều bạn đọc đánh giá là “rất hay và bổ ích”.
Ở mảng thông tin dân sinh – xã hội, bạn đọc ở TP Cần Thơ, Đồng Tháp góp ý báo cần uyển chuyển hơn trong các thông tin dân sinh. Và đây cũng là ý kiến của đa số độc giả tuổi từ 31-40, nhất là sinh viên. Bạn đọc là sinh viên hai trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn và Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá chất lượng nội dung của tờ báo ngày ở mức độ “không hay không dở”.
Nhưng ngay cả trên lĩnh vực chính trị, nhiều bạn đọc vẫn chưa thỏa mãn và đề nghị báo nên có những bài chính luận mang tính đấu tranh tư tưởng có tác dụng giáo dục cao. Một số bạn đọc đề nghị báo vì là cơ quan ngôn luận của một Đảng bộ lớn nên cần “tuyên chiến” với nạn phô trương, hình thức đang tồn tại trong xã hội ta để cải biến tình trạng này. Một độc giả ở Gò Vấp nêu ý kiến: Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, báo cũng cần có nhiều ý kiến phản biện để “phát huy sáng tạo dân chủ của đảng viên”.
Có nhiều góp ý về rút tít, không ngại nêu cả chuyện chuyên môn của phóng viên rất súc tích. Một độc giả ở quận 10 đã dành hẳn gần 2 trang đánh máy A4 để nói về một trang mục không hài lòng nhất trên Báo SGGP, đó là mục phỏng vấn. Theo bạn đọc, cách ăn mặc chưa đúng mực, sử dụng ngôn từ thiếu chất ngoại giao khi phỏng vấn các chính khách nước ngoài, áp đặt suy nghĩ chủ quan của phóng viên khi phỏng vấn… sẽ khiến bài thiếu thuyết phục. Hay bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc Bích (Q.Tân Bình) rất tinh tế khi góp ý về tít của một bài báo, chỉ cần thêm vào 2 chữ “Xin đừng” thì bài báo “Bỏ quên một làng chài” sẽ có sức lôi cuốn hơn.
Qua góp ý của bạn đọc, đội ngũ những người làm Báo SGGP chắc chắn sẽ rút ra được nhiều bài học, cảm thấy như “còn mắc nợ” người đọc về cách đưa thông tin về các vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân. Đó là chưa cập nhật nhanh giá điện, giá nước, giá gas; thông tin lễ hội còn hời hợt, thiếu sinh động, thiếu thông tin phản biện của người viết, của tờ báo, nhiều thông tin còn hành chính, chỉ nói một chiều, chậm phản biện, chậm phản hồi ý kiến của người dân…
Đây thật sự là những lời nhắc nhở, góp ý tận tình cho đội ngũ những người làm Báo SGGP hôm nay. Đó cũng sẽ là cơ sở cho những cải tiến mới nhằm phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn trong thời gian tới
VĂN PHONG