Trước tình hình bão Rammasun (cơn bão số 2) có cường độ mạnh và nhiều khả năng đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc, ngày 17-7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn giữa Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và các tỉnh, thành có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão.
Sơ tán dân tránh bão trước 16 giờ chiều nay 18-7
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, nhiều khả năng bão số 2 sẽ chạm đất liền vào ngày 19-7 và đổ bộ vào vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Do ảnh hưởng hoàn lưu trước bão, trong các ngày từ 18 đến 22-7 sẽ có nhiều đợt mưa lớn ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ với lượng mưa từ 200 - 300mm. Mưa tập trung trong 2 ngày 19 và 20-7 và có thể sang đến ngày 21-7. Tại Hà Nội và Hải Phòng có mưa từ 150 - 200mm nên phải đề phòng ngập úng cục bộ…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục và tập trung kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Căn cứ tình hình thực tế thực hiện lệnh cấm biển và sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trước 16 giờ chiều 18-7.
Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết thêm, tính đến sáng 17-7, lực lượng biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu thuyền đã thông báo, hướng dẫn cho gần 59.000 tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với khoảng 206.000 lao động biết diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng tránh.
Hoãn các cuộc họp chưa cần thiết
Chiều 17-7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đối phó với bão số 2. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là “4 tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Đối với các tàu thuyền hoạt động ở khu vực vịnh Bắc bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa phải về bờ neo đậu trong ngày 17-7. Rà soát, chủ động thực hiện sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về sạt lở đất, trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, các tỉnh trung du, miền núi tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn. Cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực giao thông có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng có công điện gửi các sở GD-ĐT, các trường học yêu cầu dừng các hoạt động hè tại các cơ sở giáo dục trong thời gian mưa bão. Chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; có biện pháp sơ tán ngay các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn, tránh ngập nước.
| |
VĂN PHÚC - PHAN THẢO - KHÁNH NGUYỄN