Tại lễ khánh thành Bảo tàng Hà Nội sáng 6-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng xúc động phát biểu: “Đã từ lâu chúng ta ao ước có một bảo tàng để lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thủ đô, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng văn hóa Việt Nam qua hàng ngàn năm xây dựng và phát triển. Nếu không làm được điều đó là có tội với tiền nhân, có lỗi với các thế hệ mai sau. Xin chia vui với Hà Nội vì niềm ao ước ấy nay đã trở thành hiện thực”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, có được tòa nhà bảo tàng là bước khởi đầu quan trọng nhưng phần công việc lớn tiếp theo là tập hợp, tổ chức trưng bày, giới thiệu hiện vật với công chúng, đồng thời quản lý tốt bảo tàng trong suốt quá trình hoạt động.
Bảo tàng Hà Nội đã chính thức được khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 8.000m² với thiết kế kiến trúc độc đáo hình Kim Tự tháp ngược (tầng bốn có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần); gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm với diện tích sử dụng 30.000m² và kinh phí đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Cùng với Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Bảo tàng Hà Nội góp phần tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn, hài hòa; là điểm nhấn cảnh quan, điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách trong, ngoài nước.
Khi hoàn chỉnh sẽ có khoảng 50.000 hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, trong số đó có hàng ngàn cổ vật từ các bộ sưu tập tư nhân, nhiều cổ vật có niên đại trên dưới 1.000 năm. Sau khi trưng bày giới thiệu đến công chúng thủ đô và du khách, một phần trong số này sẽ được các nhà sưu tập tặng lại bảo tàng để lưu giữ và bảo tồn.
Đáng lưu ý, tại tầng 1 trưng bày mô hình cột chạm hình rồng thời Lý, các hiện vật gốm sứ đặc sắc thời Lý - Trần – Lê cùng nhiều ảnh, tư liệu khoa học thời Đại Việt và việc phát hiện cổ vật khu vực Hoàng thành Thăng Long. Khu vực khánh tiết được bố trí hai màn chiếu lớn, chiếu các đoạn phim 3D về thiết kế ý tưởng trưng bày tổng thể và quá trình triển khai xây dựng công trình Bảo tàng Hà Nội... Tầng 2 là khu trưng bày tự nhiên và thời kỳ tiền Thăng Long với điểm nhấn là Trống đồng Cổ Loa và hình ảnh về 3 vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương.
Khi mở cửa chính thức, các hiện vật trong Bảo tàng Hà Nội sẽ được trưng bày theo hình vòng xoáy. Ở vị trí trung tâm là hình tượng con rồng, xoay quanh đó là các chủ đề về con người, địa danh, vật thể và sự kiện. Việc sử dụng các công nghệ hiện đại phục vụ công tác trưng bày sẽ được chú trọng nhằm kể lại những câu chuyện sinh động, hấp dẫn về mảnh đất Thăng Long – Hà Nội với 3 đặc điểm quan trọng nhất: Văn hiến (văn hóa vật thể và phi vật thể), Anh hùng và Hòa bình (thủ đô trong chiến tranh, trong lao động sáng tạo...).
“Sau 28 năm kể từ ngày thành lập, giờ đây hàng chục ngàn hiện vật quý đã có một “ngôi nhà” không chỉ khang trang mà còn đẹp, hiện đại bậc nhất cả nước và trong khu vực”, một cựu lãnh đạo TP Hà Nội chia sẻ trong lễ khánh thành. Là người nặng lòng với những vấn đề văn hóa, ông từng đau đáu dõi theo dự án Bảo tàng Hà Nội. Hai năm sau khi thành lập Bảo tàng Hà Nội (năm 1982), những ý tưởng về xây dựng một bảo tàng tầm cỡ cho thủ đô đã có, song vì nhiều lý do khác nhau, hàng ngàn hiện vật quý đã phải long đong “ở đậu” ở nhiều nơi. Gần 20 địa điểm được lần lượt đưa ra để xây dựng bảo tàng, trước khi tòa nhà đẹp đẽ và hiện đại này bắt đầu được khởi công xây dựng (ngày 19-5-2008)…
Bảo tàng Hà Nội mở cửa sẽ là địa chỉ hấp dẫn du khách, bởi nơi đây trưng bày những giá trị văn hóa quý giá của thủ đô, trong suốt chiều dài lịch sử
ANH THƯ
Thông tin liên quan:
>> Khánh thành, gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cho Bảo tàng Hà Nội