150 năm trước, 4 thương nhân người Anh từ chối xuống ngựa khi gặp đoàn rước của Lãnh chúa Shimazu Hisamitsu cùng 400 tùy tùng tại một vùng ngoại ô ở Yokohama. Sự kiện này khiến các samurai thuộc tộc Satsuma danh tiếng nổi giận và tiến hành một cuộc truy sát trên lưng ngựa. Kết quả, thương nhân Charles Richardson thiệt mạng, 2 người khác bị thương nặng.
Tại Yokohama, người ta đã dựng một tấm bảng nơi xảy ra xung đột và một tượng đài cao, nơi Richardson, với 10 vết chém trên người, đã trút hơi thở cuối cùng sau khi rơi khỏi lưng ngựa.
Chính phủ Anh lúc đó đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản bồi thường 75.000 bảng (có giá trị tương đương 48 triệu bảng Anh hiện nay) và gia tộc Satsuma bồi thường 25.000 bảng nhưng phía Nhật Bản từ chối. Một năm sau biến cố Namamugi này, tháng 8-1863, 7 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đã tiến thẳng vào căn cứ của gia tộc Satsuma ở đảo Kyushu, phía Nam Nhật Bản, oanh tạc 3 tàu hơi nước, 5 thuyền buồm và gần 500 ngôi nhà gỗ… Sau khi gánh chịu nhiều thiệt hại, đại diện gia tộc Satsuma đã đồng ý bồi thường theo yêu cầu của London. Tuy nhiên, số tiền mà gia tộc Satsuma thuyết phục Chính phủ Nhật Bản cho mượn đã không được bồi thường cho Anh mà thay vào đó, gia tộc này dùng để trang bị vũ khí tối tân hơn. Trong cuộc chạy đua để hiện đại hóa, cấu trúc xã hội Nhật Bản đã được thay đổi cùng với những mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự và quốc tế…
Để tưởng niệm sự kiện được xem là bước ngoặt của lịch sử Nhật Bản, nhà sử học nghiệp dư Takeo Asaumi, 82 tuổi, vừa cho mở cửa Bảo tàng biến cố Namamugi ở Yokohama. Ngoài các tư liệu lịch sử sinh động (hình ảnh và tài liệu) ghi lại diễn biến của biến cố trên và những thay đổi xã hội, cũng như những tác động sau thời điểm xảy ra biến cố, viện bảo tàng của ông Asaumi còn trưng bày các bản copy từ các tờ báo lớn của Anh đăng tải chi tiết vụ xung đột, hậu quả. Bên cạnh việc dành toàn bộ số tiền tiết kiệm trong 36 năm để xây dựng viện bảo tàng này, nhà sử học nghiệp dư Asaumi cũng đã cải tạo ngôi mộ của 2 thương nhân có mặt trong biến cố đó là Clark và Marshall, sau đó mang hài cốt vào đặt cạnh ngôi mộ của Richardson tại nghĩa trang dành cho người nước ngoài ở Yokohama.
H.Chi