Bão Tembin có thể dữ dội hơn cả bão Linda năm 1997

Ngày 23-12, tại cuộc họp giao ban khẩn để triển khai các hoạt động ứng phó với bão Tembin do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức ở Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, bão Tembin sẽ trở thành cơn bão số 16 và rất nguy hiểm khi đổ bộ vào Nam bộ. 
Sơ đồ dự kiến đường đi của bão Tembin
Sơ đồ dự kiến đường đi của bão Tembin
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu rút ngay kinh nghiệm từ cơn bão số 12 vừa qua, dừng các cuộc họp cuối năm để ứng phó bão, giảm thiểu thiệt hại. 
Rất nguy hiểm
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, bão Tembin đang di chuyển chủ yếu theo phía Tây với tốc độ 20 - 25km/giờ và đêm 23 đến sáng 24-12 bắt đầu đi vào biển Đông nước ta, trở thành cơn bão số 16 kể từ đầu năm đến nay. Trong lịch sử chưa có cơn bão thứ 16 trên biển Đông. Bão Tembin không chỉ xuất hiện rất muộn mà còn rất nguy hiểm và di chuyển rất phức tạp.
Philippines: Hơn 130 người chết do bão Tembin 
Ngày 23-12, hơn 130 người chết và khoảng 64 người mất tích. 50.000 người đã phải di chuyển chỗ ở vì bão nhiệt đới Tembin. Trước đó, ngày 22-12, bão Tembin đổ bộ vào đảo Mindanao, đảo lớn thứ hai của Philippines, gây ra lũ lụt và lở đất, chôn vùi một ngôi làng. Theo Cơ quan cứu trợ thiên tai quốc gia Philippines, tỉnh Lanao del Norte là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều đường dây điện bị hư hỏng, giao thông trong khu vực bị chia cắt, gây ảnh hưởng tới hoạt động cứu hộ. Chiều 23-12, bão Tembin di chuyển tới đảo Palawan, miền Tây Philippines. 
Mỗi năm, Philippines thường hứng chịu khoảng 20 trận bão, gây thiệt hại lớn về người và của. Năm 2013, siêu bão Haiyan đã cướp đi sinh mạng của 8.000 người và làm khoảng 200.000 người rơi vào cảnh vô gia cư.
Theo dự báo bước đầu, bão Tembin có thể mạnh lên cấp 10 - 11 và có thể đạt cấp 12 khi đổ bộ vào đất liền. Không chỉ riêng cơ quan khí tượng Việt Nam mà các trung tâm dự báo bão của Nhật Bản, Hồng Công và Mỹ đều có nhận định bão số 16 sẽ mạnh lên khi vào tới phía Tây quần đảo Trường Sa với cấp bão là 11 - 12 và giật tới cấp 15. Sau đó, bão sẽ hướng thẳng vào Nam bộ với tốc độ nhanh, ảnh hưởng trực tiếp từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau vào đêm 25, rạng sáng 26-12. 
Cũng theo ông Cường, dù hiện ở phía Bắc đang có một khối không khí lạnh tràn xuống nhưng cường độ yếu nên không tác động nhiều tới bão. Sau khi qua khỏi quần đảo Trường Sa, mặc dù bão có giảm cấp nhưng đáng lo ngại là thời gian từ quần đảo Trường Sa vào đến đất liền chỉ gần 1 ngày nên tốc độ yếu đi chưa rõ ràng. Không loại trừ kịch bản khi bão đổ bộ vào đất liền có sức gió mạnh cấp 10 - 11 thì cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo là cấp 4. Nhưng nếu bão vẫn giữ nguyên cấp 12, giật cấp 15 khi đổ bộ thì lần đầu tiên phải nâng cấp độ rủi ro lên cấp 5 - cấp thảm họa, và còn mạnh hơn cả cơn bão Linda năm 1997 đã làm hàng ngàn người chết và mất tích ở Nam bộ. 
Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là cơn bão rất nguy hiểm đổ bộ vào Nam bộ trong khi tại khu vực Nam bộ chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống bão lớn.
Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương trong tâm và vùng ảnh hưởng bão dừng tất cả các cuộc họp cuối năm để dồn sức, tập trung chỉ đạo chống bão. Bộ NN-PTNT sẽ báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Tembin là cơn bão trái mùa lại đổ bộ vào Nam bộ vốn dĩ có nhiều bất lợi khi bị bão như địa hình bằng phẳng, nhiều đảo, nhiều nhà cửa không kiên cố nên nếu không quyết liệt, chủ động sẽ gây thiệt hại rất lớn. Do đó, cần rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 vừa qua, không bị động khi ứng phó bão. 
Sẵn sàng sơ tán cả trăm ngàn hộ dân
Chiều 23-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, địa phương đã chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó bão số 16. Đồng thời, chỉ đạo ngành GD-ĐT xem xét cho học sinh nghỉ học; chính quyền các địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân khi cần thiết; lực lượng biên phòng và ngành chức năng thực hiện việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 8 giờ ngày 23-12.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo 3 đồn biên phòng (Hàm Luông, Cổ Chiên, Cửa Đại) sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của đơn vị thông báo cho các phương tiện tàu đánh cá đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; thống kê, kiểm đếm số lượng tàu, người, khu vực hoạt động. Đến thời điểm này hiện đã có 2.680 phương tiện tàu thuyền tìm được nơi neo đậu tại các bến bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Ngoài ra, còn 487 phương tiện với khoảng 1.948 người hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm. UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học... Các trường từ mầm non đến cao đẳng cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26-12. Tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão số 16. Đối với các huyện cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân, nắm chắc số lượng người cần di dời, sơ tán. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12 giờ ngày 25-12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.
                      TPHCM: Nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến
Trước diễn biến phức tạp của bão Tembin, ngày 23-12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM có Công điện khẩn số 03/CĐ-PCTT yêu cầu: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM, Sở GTVT TPHCM, Cảng vụ Hàng hải TPHCM, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển.
Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 16 giờ ngày 23 tháng 12 năm 2017 cho đến khi có lệnh mới. Đồng thời thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão Tembin để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở - đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển kiên quyết không cho tàu, thuyền ra biển theo lệnh cấm trên. Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TPHCM và Công an TPHCM duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động. 
Cùng ngày, nhằm chủ động ứng phó ảnh hưởng của cơn bão Tembin, tỉnh Cà Mau khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đánh cá vào bờ tìm nơi tránh trú bão. Đặc biệt, đến 16 giờ ngày 23-12, áp dụng cấm tuyệt đối các tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết toàn tỉnh dự kiến có hơn 46.000 người dân cần di dời, sơ tán đến nơi an toàn nếu trường hợp bão vào đất liền. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự thì trong ngày 23-12, ngành giáo dục chưa triển khai cho học sinh nghỉ học. Tuy nhiên, ngành vẫn theo dõi diễn biến tiếp theo của bão để có phương án xử lý phù hợp. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau, ngành chức năng tỉnh đã liên lạc được với hơn 4.500 tàu thuyền đăng ký hoạt động đánh bắt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hiện còn hơn 900 tàu, với khoảng 7.900 thuyền viên còn đang hoạt động trên biển. Hiện nay, ngành chức năng đang tích cực liên lạc và kêu gọi các tàu thuyền còn hoạt động vào bờ. Đặc biệt, với gần 400 phương tiện còn đang đánh bắt xa bờ, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang hướng dẫn vị trí phù hợp để các tàu kịp thời tìm nơi tránh trú an toàn.
Tại Tiền Giang, UBND tỉnh đã họp khẩn với các sở ngành chức năng, các huyện thị… để yêu cầu từ ngày 23-12 tất cả các đơn vị từ tỉnh đến xã phải trực và triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão số 16. UBND tỉnh Tiền Giang tính toán nếu bão vào thì ở các vùng ven biển dự kiến khoảng hơn 39.000 người cần được sơ tán đến các nơi an toàn như trụ sở UBND, các cơ quan, trường học… Dự kiến, công tác thực hiện di dời dân phải hoàn tất vào cuối giờ chiều 24-12. Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở ngành, huyện thị phải ngưng ngay các cuộc họp không cần thiết nhằm tập trung lo phòng chống bão. Ông Nguyễn Thiệp Pháp, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Tiền Giang cho biết, công tác kêu gọi khoảng 1.400 tàu thuyền đánh cá trên biển cũng đang thực hiện khẩn trương và tiếp tục liên lạc để thông báo diễn biến bão cho ngư dân nắm rõ, phòng tránh. 
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu, hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện việc nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi đánh cá trên biển, đến khi có bản tin cuối cùng về bão số 16 mới cho hoạt động trở lại. Bạc Liêu tiến hành mở các cột đèn tín hiệu báo bão tại các đồn biên phòng và bố trí người trực đảm bảo đèn tín hiệu hoạt động 24/24 giờ; bắn tín hiệu báo bão theo quy định; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. 
Sáng 23-12, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin với các địa phương trong tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ lên phương án sơ tán 78.000 người dân sinh sống tại khu vực ven biển các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo và TP Vũng Tàu vào khu vực an toàn.
Tính đến gần 6 giờ sáng cùng ngày, có 5.930 tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó đã có 4.252 tàu với 19.773 ngư dân đã vào bờ. Hiện vẫn còn 1.475 tàu với 1.650 ngư dân chưa vào bờ nên tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên hệ, hướng dẫn các tàu thuyền này vào nơi tránh trú an toàn.
               Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động đối phó với bão số 16. Nội dung công điện nêu rõ: 
Hiện nay, bão có tên quốc tế là Tembin đang hoạt động cách đảo Palaoan (Philippines) khoảng 280km, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13. Dự báo sáng 24-12 bão sẽ đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 16 và tiếp tục mạnh thêm. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực); là vùng có quy mô kinh tế, đặc điểm dân sinh, thiết chế hạ tầng, đặc điểm tự nhiên dễ bị tổn thương khi bão đổ bộ. 
Rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan và để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau: 
UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng: Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)... Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến (kể cả các tàu vận tải; tàu vãng lai trên sông, trên biển; các bến phà,…), khu vực neo đậu quanh các đảo, khu lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tổng rà soát các phương án, kịch bản ứng phó. Đặc biệt, cần tăng cường trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành được thông suốt trong các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó hiệu quả với bão. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường và gió mạnh... Phân công các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt cần tăng cường các hình thức thông tin truyền thông ứng phó với bão đến cộng đồng... Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý trong các tình huống cấp bách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục