Bảo tồn đa dạng sinh học bán đảo Sơn Trà - hướng đến sự phát triển bền vững

Ngày 15-7, tại TP Đà Nẵng, Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà”. 
Dự án Khu du lịch biển Tiên Sa gây ảnh hưởng đến môi sinh bán đảo Sơn Trà . Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Dự án Khu du lịch biển Tiên Sa gây ảnh hưởng đến môi sinh bán đảo Sơn Trà . Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Hơn 150 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và đại diện các tổ chức bảo tồn trong nước đã tham dự. 
Trên 15 tham luận và ý kiến của các nhà nghiên cứu, quản lý đã được trình bày tại hội thảo. Qua đó, có cái nhìn tổng thể về sự đa dạng và giá trị của hệ sinh thái, động thực vật tại bán đảo Sơn Trà nhằm tìm kiếm những giải pháp phù hợp hướng đến sự phát triển bền vững.
Đa dạng sinh học
Khảo sát cho thấy, hiện tại bán đảo Sơn Trà có khoảng 1.010 loài thực vật thuộc 146 họ thực vật, trong đó có trên 20 loài nấm lớn. Riêng tài nguyên động vật có khoảng 38 loài thú lớn, 160 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát, 19 loài cá và 79 loài côn trùng. Đặc biệt, có 43 loài trong sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN) như: chà vá chân nâu, cu li nhỏ, tê tê, dơi chó cánh ngắn, mang thường, chim đuôi cụt bụng đỏ, gà tiền mặt đỏ, rồng đất, tắc kè, trăn gấm, rùa trung bộ, cá chình hoa, bướm phượng cánh chim chấm trời… Các công trình nghiên cứu cho thấy vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà có tính đa dạng sinh học cao, bao gồm các rạn san hô và thảm cỏ biển phân bố dọc theo đường bờ xung quanh bán đảo cùng hàng trăm động, thực vật phù du, cỏ biển, rong biển, san hô, cá, thân mềm, giáp xác da gai… Tại bán đảo Sơn Trà, ước tính có khoảng từ 700 đến 1.300 cá thể chà vá chân nâu đang sinh sống. Đây cũng là nơi duy nhất có thể quan sát dễ dàng loài linh trưởng này trong tự nhiên. Quần thể chà vá chân nâu ở Sơn Trà hiện nhiều con non, dấu hiệu của sự tăng trưởng kích thước quần thể. 
Theo TS Hà Thăng Long - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet), khu bảo tồn Sơn Trà đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng. Ông cũng cho rằng, cần xây dựng và thực hiện chương trình giám sát loài voọc chà vá chân nâu; nâng cao hiệu quả của hoạt động tuần tra bảo vệ rừng; tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan có kiểm soát; giảm xây dựng trên bán đảo, nhất là khu vực phía Bắc bán đảo hướng đến giữ môi trường sống của chúng tốt hơn, tránh những tác động đến voọc cũng như nhiều động thực vật đang sinh sống trên bán đảo.
Phát triển du lịch có trách nhiệm
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Sơn Trà phải có một chiến lược phát triển du lịch bền vững. Trong đó, cần giữ nguyên hiện trạng, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững, biến Sơn Trà thành điểm tham quan, du lịch sinh thái, tìm hiểu thiên nhiên, rạn san hô… “Với chiến lược này sẽ giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững. Du khách đến Đà Nẵng khám phá, tham quan Sơn Trà nhưng sẽ ăn nghỉ tại thành phố, đảm bảo lợi ích kinh tế cho toàn cộng đồng. Du khách không chỉ trả phí tham quan mà còn đóng góp thiện nguyện cho quỹ bảo tồn; xây dựng và nâng cao hình ảnh điểm đến Đà Nẵng thân thiện với môi trường. Một Đà Nẵng giữ được Sơn Trà hoang dã bên cạnh một thành phố hiện đại sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới”. Ông Huỳnh Tấn Vinh khẳng định.
Đồng tình quan điểm trên, GS Nguyễn Hoàng Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục môi trường (Đại học Sư phạm Hà Nội) kiến nghị cần thành lập Khu sinh quyển thế giới “Sơn Trà - Nam Hải Vân”. Tuy vậy, theo TS Nguyễn Chí Thành - Phó Chủ tịch Hội Đất ngập nước Việt Nam đề xuất tiến hành ngay việc tổ chức quản lý khu rừng đặc dụng Sơn Trà và lập quy hoạch khu rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, cũng tiến hành điều tra, nghiên cứu, lập dự án phục hồi các sinh cảnh và hệ sinh thái rừng tự nhiên đã bị tàn phá làm cơ sở phục hồi đa dạng sinh học.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Quan điểm của thành phố về bán đảo Sơn Trà là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh. Hai là, phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai”. 
Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch: quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn rừng đặc dụng.
Không nên giữ khư khư tài nguyên mà không mang lại lợi ích gì cho xã hội
TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng và đất ngập nước, cho rằng: “Đối với Sơn Trà, chúng tôi biết Đà Nẵng và cả nước muốn một câu trả lời là làm thế nào để giữ được voọc mà vẫn sử dụng Sơn Trà cho phát triển kinh tế? Việc “đóng cửa” Sơn Trà lại, liệu có nên hay không? Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên nghiêng về đóng cửa giữ bằng được Sơn Trà hay là nghiêng về phát triển mạnh kinh tế ở đây. Vậy, những nhà khoa học có đưa ra được một giải pháp cho Đà Nẵng hay Chính phủ rằng ngoài giá trị khoa học ra thì giá trị kinh tế của tài nguyên Sơn Trà đối với đất nước ta như thế nào? Để từ đó biết mà lựa chọn. Nếu như chúng ta xây thêm 5.000 phòng thì thu được bao nhiêu tiền? Nếu như giữ tài nguyên đó cho du lịch thì được bao nhiêu tiền? Từ đó, dùng phương pháp “đánh đổi” để chọn lựa. Quan điểm của tôi là chúng ta sử dụng hợp lý tài nguyên hơn là giữ khư khư mà không mang lại lợi ích gì cho xã hội”.
***
Bên lề hội thảo, trao đổi với PV SGGP, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Có những thứ cộng sinh được, nhưng cũng có những thứ không thể cộng sinh được mà là tiêu diệt lẫn nhau. Nhất thiết không thể tiếp tục phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà theo cách hiện nay được. Nhất thiết là không cho phép xây dựng thêm, phải thay đổi cách phát triển du lịch đối với Sơn Trà. Đồng thời, tăng cường hơn nữa cả tài lực, vật lực, quy định pháp lý,... để bảo tồn Sơn Trà một cách hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn”.

Tin cùng chuyên mục