Không chỉ tại TPHCM, lâu nay, việc bảo tồn di sản, trùng tu di tích đã trở thành vấn đề nóng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, được các cấp lãnh đạo quan tâm. Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa của Bộ VH-TT-DL là một trong những động thái kịp thời xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa... Tuy nhiên, việc thực hiện không đơn giản.
Nhiều di sản bị “biến tướng”
Sau nhiều năm diễn ra cảnh chen lấn cướp ấn, năm nay, đền Trần (Nam Định) đã quyết định bỏ giờ thiêng phát ấn lúc 0 giờ 30 sáng 15 tháng giêng, thay vào đó ấn sẽ được phát lúc 7 giờ. Không còn cảnh tranh giành, chen lấn, giẫm đạp lên nhau để cướp ấn lúc giữa khuya, thế nhưng, trò cướp ấn giờ lại biến tấu sang một hình thức khác: cướp lộc.
Sau thời khắc khai ấn như mọi năm, hàng ngàn người đã xô ngã cả hàng rào lẫn lực lượng bảo vệ (lên đến gần 2.200 người) để tràn vào bên trong đền “xin lộc”. Từ hoa quả, chân nến, nến và tiền lễ... Người ta thấy gì lấy được là lấy sạch. Trong phút chốc, bàn thờ trong đền Thiên Trường trở thành tan hoang. Vậy mà, ai cũng có vẻ hỉ hả vì “xin” được lộc!
Hội Lim ngay mùa đầu tiên sau khi quan họ trở thành di sản thế giới cũng chứng kiến lắm chuyện cười ra nước mắt. Với dàn đồng ca quan họ trên 3.000 người, lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh tổ chức xác lập một kỷ lục cho Hội Lim.
Theo giải thích của những nhà tổ chức, khi xác lập kỷ lục này, họ muốn mọi người thấy quan họ vẫn sống và phát triển... tới mức có thể huy động hơn 3.000 người “chơi quan họ” tại lễ hội trung tâm của di sản này!? Vậy là phải chăng chính những người trong cuộc đã tự làm biến tướng di sản thế giới, phá bỏ lề lối một phong cách chơi rất cầu kỳ mà quan họ đã có từ hàng ngàn năm nay. Người nghe thì chen vai thích cánh, người hát (để tạo kỷ lục) thì mặc đồng phục di chuyển như đi tuần hành, duyệt binh.
Tương tự, chuyện Hội Gióng trở thành “hợp đồng thời vụ” của một số người dân Phù Đổng cũng vậy. “Hội Gióng giữ được như ngày nay là do hội chỉ hoàn toàn của dân xã Phù Đổng. Nhưng từ khi trở thành di sản thì chỉ riêng việc đem Hội Gióng ra diễn không đúng giờ thiêng, không gian thiêng đã là một kiểu phá di sản rồi” - GS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, bày tỏ tại hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa mới đây… Đây chỉ là vài câu chuyện đáng buồn về cách ứng xử của con người với những di sản của cha ông để lại.
Di tích xuống cấp và bị xâm hại
Thời gian qua tại TPHCM, câu chuyện trùng tu di tích, di tích bị xâm hại vẫn là câu chuyện dài, là thời sự tại nhiều diễn đàn, hội thảo. Trở lại di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Thông Tây Hội, quận Gò Vấp - một trong những ngôi đình cổ nhất của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, chúng tôi chứng kiến tình trạng đình bị xâm hại và xuống cấp nặng nề. Lối vào chính điện đã được rào chắn lại, khu vực nhà hội sở với nhiều cột gỗ bị hư hại nặng do mối mọt. Vây quanh khu cổng chính là nhiều hàng quán bán trái cây, nhang đèn, trong khuôn viên có hàng giải khát, chợ rau cá rất nhếch nhác.
Theo Sở VH-TT-DL TPHCM, trước đây, Đại sứ quán CHLB Đức có ý định tài trợ 100.000 USD để trùng tu di tích đình Thông Tây Hội, nhưng sau nhiều cuộc bàn thảo, do phương án thực hiện không phù hợp nên dự án này đã gác lại. Hiện nay, UBND TPHCM đã phê duyệt kinh phí trùng tu ngôi đình từ nguồn ngân sách TP.
Cùng tình trạng xuống cấp và bị xâm hại còn có chùa Sắc Tứ Trường Thọ, di tích cấp quốc gia ở phường 7, Gò Vấp. Chùa bị dột, mái ẩm thấp và mối mọt khá nặng nên ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và bảo quản các cổ vật. Được biết, chùa Sắc Tứ Trường Thọ đã được duyệt kinh phí trùng tu 4 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ VH-TT-DL trong năm 2012.
Xuống cấp và bị xâm hại nặng nề và kéo dài hơn phải kể đến di tích quốc gia chùa Phụng Sơn ở quận 11, TPHCM. Từ nhiều năm trước, UBND quận 11 đã khảo sát và xác định có trên 100 hộ dân lấn chiếm khuôn viên chùa. Năm 2008, TPHCM đã đưa di tích này vào danh sách trùng tu và giao UBND quận 11 thực hiện giải phóng mặt bằng, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm di tích. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa thực hiện được. Trước mắt, Sở VH-TT-DL kiến nghị UBND TP cho trùng tu khu vực 1 của di tích trong khi chờ đợi quận 11 thực hiện giải phóng mặt bằng… Rõ ràng, để di sản được bảo tồn và phát huy giá trị, di tích được bảo tồn đúng mức, rất cần những giải pháp vừa quyết liệt vừa dài hơi.
| |
Minh An