Bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại TPHCM - Chuyển biến tích cực

Giới thiệu
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại TPHCM - Chuyển biến tích cực

Vài năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TPHCM đã có chuyển biến tích cực. Những tồn tại và tình trạng vi phạm các quy định trong quản lý di tích từng bước được các ngành quan tâm phối hợp giải quyết. Nhiều di tích trên địa bàn TPHCM đã được bảo tồn, phát huy giá trị, thu hút ngày càng nhiều người dân và du khách đến tham quan thưởng lãm…

Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là một trong những địa điểm giáo dục truyền thống sinh động nhất với các bạn trẻ. Ảnh: MINH AN

Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi là một trong những địa điểm giáo dục truyền thống sinh động nhất với các bạn trẻ. Ảnh: MINH AN

Giới thiệu

Để người dân từng bước nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ di tích, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc, nhiều quận huyện đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng, có trách nhiệm hơn đối với các di tích trên địa bàn dân cư.

Chẳng hạn, từ phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích TPHCM đã xuất bản cuốn sách “Hành trình đến với di sản văn hóa TPHCM”, khái quát giới thiệu các di sản văn hóa đến đông đảo người dân TP và du khách trong và ngoài nước. Có thể kể đến kỷ yếu “Lịch sử văn hóa quận 1”, “Hành trình đến với bảo tàng” của quận 1, thi tìm hiểu về các danh nhân được chọn đặt tên đường, tìm hiểu về di tích đình chùa trên địa bàn ở quận 4, phát hàng ngàn tờ bướm giới thiệu các di tích đã xếp hạng trên địa bàn ở quận 8… Qua đó, các hoạt động này đã giáo dục và xây dựng ý thức bảo vệ di tích cho người dân. Ngoài ra, thông qua các hội thi “Thuyết minh viên không chuyên” cho các em học sinh tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa ở quận 5, hội thi “Tân Phú những địa danh lịch sử”, “Nhà sử học nhỏ tuổi” (của quận Tân Phú) thực hiện phim “Về chiến trường xưa” giới thiệu tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 tại đồng Ông Cộ (quận Bình Thạnh), giao lưu với các nhân vật lịch sử trong trận thắng kho bom Phú Thọ (quận Tân Bình), đưa các bảng tóm tắt các di tích lịch sử văn hóa đến từng trường học của huyện Bình Chánh, thi thuyết trình về di sản (quận 11)… Các địa phương vừa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa giới thiệu đến các bạn trẻ những giá trị của di tích.

Phát huy

Năm 2010 vừa qua, 52 di tích của TPHCM đã thu hút trên 2,8 triệu lượt du khách đến tham quan, thưởng lãm, trong đó có trên 897.000 lượt là du khách nước ngoài. Không chỉ thu hút đông đảo khách nước ngoài và người dân đến tham quan, chiêm bái, ngành văn hóa còn vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, vận động người dân hạn chế đốt nhang, đốt vàng mã khi đến lễ bái, tham gia lễ hội. Đáng chú ý, hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng như việc tu bổ đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), dự án tu bổ tôn tạo di tích Hội quán Nghĩa An (quận 5).

Mới đây UBND TPHCM phê duyệt quyết định 5360/QĐ-UBND thực hiện kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP, thực hiện kiểm kê và bảo tồn 168 công trình, địa điểm đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích. “Đây được đánh giá là một trong những bước đệm quan trọng tiếp nối cho quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TPHCM đến năm 2020. Đồng thời, từ kiến nghị của Sở VH-TT-DL TPHCM, HĐND và UBND TP cũng đang xem xét phê duyệt chế độ hỗ trợ hoạt động cho các di tích đã có quyết định xếp hạng trên địa bàn TP” - bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, cho biết như vậy.

* Từ 2008 đến 2010, TPHCM đã đầu tư trên 101 tỷ đồng thực hiện 14 dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Sắp tới, TP chuẩn bị đầu tư thực hiện 11 dự án khác.

Minh An

Tin cùng chuyên mục