Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm

Công tác bảo tồn Cù Lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, chất lượng hệ sinh thái biển và rừng đang đối diện với những tác động gay gắt. Sự phát triển “nóng” của du lịch bên cạnh những yếu tố tích cực cũng gây nên không ít tác động tiêu cực lên đảo.

Đảo Cù lao Chàm hội tụ các hệ sinh thái biển điển hình của vùng biển nhiệt đới, bao gồm: hệ sinh thái cỏ biển, vùng triều, bờ đá.
Ngày 12-10, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ hội thảo Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm.
Tham dự có đại diện các sở, ngành, địa phương; doanh nghiệp hoạt động du lịch và người dân trên đảo. 
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, kể từ khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2009), công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại Cù Lao Chàm được tập trung mạnh mẽ với sự đồng hành, góp sức của 4 lực lượng gồm nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Theo bà Thúy, trong đó, việc xây dựng khung pháp lý và thể chế; xác lập cơ chế đồng quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác bảo tồn; truyền thông nâng cao nhận thức sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường luôn được chú trọng.

“Nếu như cách đây 15 năm, sinh kế của người dân Cù Lao Chàm phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác thủy sản và tài nguyên rừng thì đến nay đã có sự thay đổi đáng kể. Người dân đã giảm đánh bắt mà vẫn có thể tăng thu nhập thông qua những hỗ trợ sinh kế thay thế, cụ thể là du lịch”, bà Thúy nói.

Thống kê cho thấy, nếu năm 2009, lượng khách đến với Cù Lao Chàm chỉ đạt hơn 20.000 lượt thì đến tháng 10-2018 con số này đã tăng đến khoảng 400.000 lượt, thu nhập bình quân đầu người dân trên đảo tăng cao. Từ một địa phương dựa vào kinh tế nông nghiệp là chính đã chuyển mình trở thành một địa phương du lịch phát triển năng động.

Cùng với đó, hạ tầng cơ sở, các công trình dân sinh, đường quốc phòng cũng được đầu tư ngày càng hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Tuy vậy, công tác bảo tồn Cù Lao Chàm cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, chất lượng hệ sinh thái biển và rừng đang đối diện với những tác động gay gắt.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, sự phát triển “nóng” của du lịch bên cạnh những yếu tố tích cực cũng gây nên những tác động tiêu cực lên đảo. Nổi bật là việc khai thác nguồn lợi thủy sản lén lút từ những ngư dân nơi khác đến dẫn đến suy giảm hệ sinh thái biển.

Bên cạnh đó, áp lực về phát triển du lịch khiến nguồn nước ngọt hao hụt. Chưa kể nước thải, rác thải… từ người dân và du khách thải ra tác động đến môi trường sống của người dân cũng như nhiều loài động thực vật trên đảo,  đặc biệt là rùa biển.

Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm ảnh 2 Để Cù Lao Chàm phát triển bền vững, về lâu dài cần có những chế định cụ thể, đồng thời nhanh chóng triển khai công tác quy hoạch trên đảo
Một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức quản lý trong một thời gian dài không theo kịp quá trình phát triển của du lịch, dẫn đến chệch hướng phát triển Cù Lao Chàm. Do đó, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng để Cù Lao Chàm phát triển bền vững, về lâu dài nhà nước cần có những chế định cụ thể; đồng thời nhanh chóng triển khai công tác quy hoạch trên đảo; ban hành những quy chế quản lý khai thác du lịch, kể cả những quy định về kiến trúc xây dựng… để Cù Lao Chàm  phát triển bền vững.

Cù Lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) nằm cách khu phố cổ khoảng 18km về phía Đông gồm 8 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích là 15km2. Nơi đây hội tụ các hệ sinh thái biển điển hình của vùng biển nhiệt đới, bao gồm: hệ sinh thái cỏ biển, vùng triều, bờ đá. Trong đó, hệ sinh thái rạn san hô với sự đa dạng về thành phần, số lượng loài… đóng vai trò quan trọng, tạo ra môi trường sống và sự phong phú về nguồn lợi hải sản.

Tin cùng chuyên mục